Các khoản chi phí kinh doanh trực tuyến đa kênh: Một số thông tin quan trọng cho eSeller
Đây là một bài post đăng bởi Allison Lee, Giám đốc phụ trách Nội dung tại Zentail, một nền tảng vận hành thuơng mại điện tử dành cho người bán hàng đa kênh
Hiện có khoảng 1,8 triệu eSellers tại Hoa Kỳ và con số này hứa hẹn sẽ còn tăng hơn nữa khi người tiêu dùng đang dịch chuyển mạnh sang các kênh mua sắm trực tuyến sau đại dịch toàn cầu COVID-19 hiện tại.
Điều này cho thấy rào cản ra nhập thị trường là tương đối thấp trong khi đó tiềm năng thành công lại rất cao. Tuy nhiên, theo một số cuộc khảo sát gần đây, chỉ có một số ít người bán hàng trực tuyến tồn tại được trong năm đầu tiên, thậm chí là trong 120 ngày đầu tiên.
Phần lớn nguyên nhân thất bại nằm ở chỗ các sellers không có được cho chính bản thân họ một sự kỳ vọng đúng đắn khi bắt tay vào kinh doanh tại một thị trường mới. Điều này đặc biệt đúng đối với những người muốn mở rộng phạm vi kinh doanh ra toàn cầu và bắt đầu cạnh tranh đồng thời trên các sàn giao dịch thương mại điện tử nước ngoài. Việc điều hành một doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến đa kênh có thể khiến bạn phải đối mặt với những khoản chi phí đắt đỏ nếu không quản lý tốt chi phí vận hành doanh nghiệp.
Dưới đây là bảng phân bổ chi tiết các khoản phí, lệ phí và mức đầu tư bình quân mà bạn cần đưa vào dự toán chi phí khi bắt đầu các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đa kênh.
- Phí hoa hồng, phí liệt kê sản phẩm và gói chi phí bán hàng
Đây là các khoản phí trả trước cơ bản mà bạn phải chi trả để bắt đầu sử dụng kênh bán hàng bên thứ ba. Mặc dù Amazon tính các gói chi phí bán hàng khi đăng ký bán hàng trên nền tảng của nó (trong đó gói chuyên gia sẽ có mức phí 39,99 USD/ tháng), eBay và những nền tảng khác đều không tính phí khi bạn bắt đầu kinh doanh nhưng thay vào đó, họ có thể tính phí niêm yết sản phẩm (phí niêm yết sản phẩm của eBay dao động từ miễn phí cho đến 0,25 USD đối với mỗi danh mục liệt kê sản phẩm, tùy thuộc vào số lượng SKU mà bạn có) bên cạnh phí hoa hồng.
Phí hoa hồng có thể khác nhau tùy theo từng kênh bán hàng. Thông thường, chúng sẽ dao động từ 6%-20% tùy thuộc vào danh mục sản phẩm và được tính dựa trên tổng giá bán của sản phẩm, nghĩa là giá bán của sản phẩm cộng với phí vận chuyển và xử lý.
Bạn sẽ biết được tất cả mọi khoản phí này trước khi chính thức bắt đầu kinh doanh trên các nền tảng. Chúng đều được niêm yết rõ ràng và nhất quán trên tất cả các kênh bán hàng hiện tại.
- Chi phí hàng tồn kho
Đây là loại chi phí khiến doanh nghiệp gặp nhiều vấn đề nhất. Công tác quản trị hàng tồn kho yếu kém là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp phải trả cái giá đắt đỏ ước tính lên tới 1,75 nghìn tỷ USD hàng năm, trong đó 642,6 tỷ USD thiệt hại bắt nguồn từ việc khách hàng trả lại hàng, 634,1 tỷ USD đến từ việc hết hàng tồn kho và 471,9 tỷ USD đến từ việc lưu kho quá nhiều hàng hóa.
Daniel Sugarman, CEO của nền tảng vận hành thương mại điện tử Zentail, cho biết: “Chi phí nắm giữ hàng tồn kho thông thường chiếm từ 30% vốn lưu động của seller trở lên—điều này tương đương với một lượng tiền mặt khổng lồ có thể bị lãng phí, vốn hoàn toàn có thể được dành để đầu tư vào những sản phẩm thực sự mang lại doanh thu cho doanh nghiệp.”
Thật sự mà nói, tất cả mọi thực thể kinh doanh, từ các cửa hàng nhỏ lẻ cho đến gã khổng lồ như Nike đều có thể dễ dàng mắc sai lầm khi nói đến công tác quản trị và theo dõi hàng hóa tồn kho hoặc dự báo nhu cầu của thị trường. Để minh họa, Nike đã phải gánh chịu một tổn thất nặng nề lên tới 100 triệu USD vào năm 2000 khi nó cho ra mắt một hệ thống quản trị hàng tồn kho mới mà sau đó được phát hiện là đã mắc một lỗi hệ thống nghiêm trọng, dẫn đến nhiều dự báo không chính xác về thị hiếu và nhu cầu của thị trường.
Là một seller kinh doanh trực tuyến đa kênh trên toàn cầu, bạn thậm chí cần phải theo dõi sát sao mọi hoạt động ở một cấp độ cao hơn nữa, chẳng hạn như phải nắm rõ hành vi tiêu dùng đa dạng của khách hàng trên nhiều thị trường khác nhau hoặc xử lý đồng thời nhiều đơn hàng trên nhiều nền tảng. Những người gặp khó khăn hầu hết đều có điểm chung là không thích ứng được với những cách thức tính toán mới, mang tính tự động hóa cao về nhu cầu của thị trường trong thời gian thực, hoặc đã chót sử dụng những giải pháp phần mềm rẻ tiền, chất lượng thấp để xử lý nhiệm vụ hết sức quan trọng này.
Bạn sẽ cần phải theo dõi chặt chẽ công tác quản trị hàng tồn kho cũng như trang bị một phần mềm vận hành doanh nghiệp hiệu quả. Hãy nhớ rằng, bạn không những cần phải có một phương pháp chính xác và khoa học để tính toán doanh số bán hàng trong tương lai—mà cần có một cách thức để đồng bộ hóa lượng hàng hóa tồn kho hiện tại với thực tế tình hình bán hàng nhằm tránh tình trạng bán vượt quá số lượng sản phẩm đang lưu trong kho của mình trên bất kỳ nền tảng nào. Bán vượt quá số lượng dự trữ bản thân nó đã là một sai lầm khó có thể tha thứ: bạn sẽ cần phải hủy các đơn hàng và điều đó có thể khiến bạn phải nhận nhiều review tiêu cực hơn. Điều này hoàn toàn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng hiển thị của cửa hàng trên các nền tảng, tạm ngưng tài khoản cũng như phát sinh các khoản chi phí không cần thiết nhằm lấy lại uy tín của doanh nghiệp.
- Chi phí kho bãi
Quy mô kinh doanh trực tuyến của bạn càng lớn, bạn càng cần phải có hệ thống kho hàng lớn hơn để lưu trữ sản phẩm. Do vậy, vấn đề kho bãi có thể trở thành một điểm nghẽn trong các hoạt động kinh doanh đa kênh của bạn bởi vì nhiều lý do khác nhau.
Khi kinh doanh trên một nền tảng, về cơ bản, việc đàm phán và ký kết hợp đồng với nhà cung cấp dịch vụ kho vận có thể là một nhiệm vụ khó khăn do mất nhiều thời gian nghiên cứu cũng như phải trải qua một quá trình thương lượng cam go, phức tạp. Khó khăn này sẽ càng lớn hơn khi giờ đây doanh nghiệp của bạn đang gặt hái được nhiều doanh thu trên nhiều kênh bán hàng hơn và hoàn toàn không còn bị ràng buộc bởi thời gian hoạt động của cửa hàng. Bạn cần phải tìm kiếm (các) nhà kho có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng ở tốc độ mà mỗi kênh bán hàng của bạn đòi hỏi.
Bạn càng phải thuê nhiều kho hàng, bạn càng phải trả nhiều chi phí lưu kho hơn, và một số nhà cung cấp dịch vụ kho bãi có thể tăng phí theo thời gian. Ngay cả khi bạn sử dụng dịch vụ như FBA của Amazon, một dịch vụ cung cấp không gian lưu kho gần như vô hạn, bạn cũng phải tính toán trước các khoản chi phí “vô hình” như phí lưu kho dài hạn hoặc phí hủy hàng trong kho.
Hiện tại, bạn có thể tìm kiếm một số nhà cung cấp thay thế khác trên thị trường—với tên gọi 3PL, chẳng hạn như ShipBob và Deliverr, vốn cung cấp các dịch vụ tương tự như FBA của Amazon trên nhiều kênh bán hàng. Hầu hết các sellers kinh doanh đa kênh đều lựa chọn phương pháp hỗn hợp; họ sẽ sử dụng dịch vụ FBA nhằm duy trì tính cạnh tranh trên nền tảng Amazon, nhưng cũng đồng thời tận dụng nhà cung cấp dịch vụ 3PL có uy tín để tránh bị phụ thuộc quá nhiều vào bất kỳ nhà cung cấp dịch vụ hoàn thiện đơn hàng nào. (Một số kênh bán hàng như Walmart cũng cấm sử dụng dịch vụ FBA, buộc các sellers phải đa dạng hóa nhà cung cấp dịch vụ.)
Theo những con số ước tính, chuỗi cung ứng của mô hình thương mại điện tử đòi hỏi diện tích kho bãi và hậu cần nhiều gấp ba lần so với chuỗi cung ứng tương ứng của mô hình kinh doanh truyền thống.
- Chi phí vận chuyển
Tất nhiên, vận chuyển hàng hóa là một khoản chi phí mà bạn sẽ phải tính đến. Tuy nhiên, dưới đây là một số điều cần lưu ý khi bạn lập dự toán chi phí của mình:
- Giao hàng trong hai ngày đang trở thành một tiêu chuẩn của ngành
- Nếu một đơn hàng của bạn có nhiều đơn vị sản phẩm đang nằm tại nhiều kho hàng khác nhau, bạn có thể phải trả nhiều chi phí vận chuyển hơn cho đơn hàng đó
- Chọn sử dụng nhiều nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển với mức phí khác nhau
- Khi kinh doanh trên toàn cầu, bạn phải xử lý chi phí vận chuyển và thuế quan quốc tế
- Chi phí vận tải đang tăng theo cấp số nhân bởi vì đại dịch COVID-19 gây ra tình trạng hạn chế đối với các tuyến đường vận tải
- Những đối tác hoàn thiện đơn hàng như FBA sẽ tính phí vận chuyển trong nước và phí ‘pick and pack’ (Lấy hàng và đóng gói)
- Phí đóng gói và bài trí sản phẩm là các khoản phí bổ sung đáng kể mà bạn cần cân nhắc
- Xem xét chi phí vận chuyển của hàng hóa bị khách hàng trả lại
- Đừng quên tùy chọn vận chuyển bổ sung như phí theo dõi vận đơn hoặc bảo hiểm
- Chi phí hoàn trả hàng
Bạn nên hết sức chú ý đến loại chi phí này bởi vì tỷ lệ 15%-40% các giao dịch mua sắm trực tuyến cuối cùng sẽ bị khách hàng trả lại (so với chỉ khoảng 5%-10% của mô hình mua sắm truyền thống tại cửa hàng). Con số đó có khả năng còn cao hơn trên Amazon, nơi các thành viên Prime đã quá quen với việc trả lại hàng hóa một cách thường xuyên cũng giống như khi họ mua hàng.
Nhược điểm của chính sách hoàn trả hàng là các sản phẩm có thể không bán được nữa sau khi bị khách hàng trả lại. Nếu bạn đang sử dụng dịch vụ FBA, có thể nhân viên kho hàng nào đó sẽ đưa ra phán quyết về tình trạng của các sản phẩm bị trả lại và buộc bạn phải loại bỏ hàng tồn kho bằng chi phí của chính bạn.
Ngoài ra, một chính sách phổ biến được áp dụng đó là các thị trường buôn bán trực tuyến tự động triển khai ưu đãi hoàn lại toàn bộ tiền cho người mua bất kể lý do là gì. Nhiều thị trường thậm chí có thể buộc bạn phải trả chi phí vận chuyển cho số hàng hóa bị trả lại cũng như lệ phí đưa hàng tái nhập kho, với phí tổn hoàn toàn có thể lên tới 20% giá trị sản phẩm của bạn.
- Chi phí phần mềm kinh doanh trực tuyến
Khi khối lượng công việc tăng lên, bạn sẽ cần phải thuê thêm lao động hoặc sử dụng một phần mềm để hỗ trợ bạn trong công việc. Một hệ thống phần mềm hiện đại có giá dao động từ miễn phí cho đến vài nghìn USD một tháng. Chức năng của chúng có thể chỉ tập trung thực thi một công việc nhất định cho đến các hoạt động hỗ trợ đầu cuối của bạn.
Trong nhiều trường hợp, câu nói “tiền nào của nấy” là rất chính xác. Sai lầm lớn nhất mà seller thường mắc phải trong giai đoạn này là đánh giá thấp giá trị của phần mềm và thường có xu hướng đợi cho đến khi vấn đề thực sự phát sinh mới tìm đến các giải pháp tự động, đáng tin cậy.
Hãy lưu ý rằng, kinh doanh trực tuyến là một lĩnh vực đặc biệt khó đoán vì các thị trường liên tục thay đổi yêu cầu của họ và một lỗi liệt kê sản phẩm hoặc một trải nghiệm mua sắm tồi tệ có thể đánh tụt doanh số của bạn chỉ trong chốc lát. Nếu không có một hệ thống phù hợp, con người chắc chắn sẽ không thể vận hành ở cấp độ và tốc độ mà lĩnh vực thương mại điện tử đòi hỏi.
- Chi phí quảng cáo
Khi sự cạnh tranh trên mạng trực tuyến ngày càng trở nên khốc liệt, các esellers buộc phải trả nhiều tiền hơn để có được một khách hàng. Vào đầu năm 2020, nhiều doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình bán hàng trực tiếp đến khách hàng đã phải gánh chịu chi phí sở hữu khách hàng ở mức “cao khủng khiếp” do đại dịch toàn cầu COVID-19.
Mặc dù đại dịch cũng giúp nhiều doanh nghiệp giảm bớt chi phí truyền thông, nhưng chi phí sở hữu khách hàng được dự báo sẽ tăng trở lại khi đại dịch lắng xuống. Trong nhiều trường hợp, quảng cáo là một điều kiện tiên quyết để cạnh tranh. Ví dụ, các sản phẩm được tài trợ sẽ luôn sở hữu những vị trí đẹp nhất trên trang đầu tiên và tại mục “các sản phẩm được đề xuất” của Amazon.
Ngay cả đối với những kênh bán hàng mới hơn như Walmart, nơi hiện có ít người bán hàng tham gia các hoạt động quảng cáo, bạn cũng nên nắm bắt cơ hội của những người tiên phong đi trước và nhận thức được tác động to lớn của quảng cáo đối với xếp hạng tự nhiên của bạn (hãy coi nó là một “Hiệu ứng Bánh đà”).
- Thuế bán hàng
Kể từ sau phán quyết của tòa án tối cao liên bang Mỹ trong vụ South Dakota và Wayfair vào năm 2018, các eSellers buộc phải chịu trách nhiệm thu và nộp thuế bán hàng.
Trước năm 2018, bạn chỉ chịu trách nhiệm thu thuế bán hàng ở những tiểu bang nơi bạn thực sự có mối liên hệ thuế. Giờ đây, bạn có thể phải chịu trách nhiệm thu thuế ở những nơi bạn chưa từng đặt chân đến. Tiêu chí mới, bổ sung sẽ dựa trên số lượng đơn hàng bạn đã thực hiện với người mua hàng tại một tiểu bang nhất định.
Ngưỡng kinh tế này được xác định ở cấp độ tiểu bang. Nhưng giữa các cấp từ địa phương, quận và tiểu bang, có khoảng 4.000 phạm vi quyền hạn thuế khác nhau nội trong đất nước Hoa Kỳ.
Như bạn đã thấy, các quy định ngày càng trở nên phức tạp—thực sự phức tạp. Và mặc dù bạn có thể dựa vào một số yếu tố được gọi là luật hỗ trợ của thị trường, giúp bạn bằng cách san sẻ gánh nặng và trách nhiệm cho chính thị trường buôn bán trực tuyến nơi bạn đang tham gia kinh doanh. Tuy nhiên, bạn vẫn cần xác định những nơi bạn cần thu thuế bán hàng (so với thị trường buôn bán trực tuyến). Điều này rõ ràng sẽ có tác động đến lợi nhuận tổng thể của bạn. Nếu không tuân thủ, bạn hoàn toàn có thể phải nộp phạt do vi phạm các quy định về thuế.
Lời kết
Kinh doanh trực tuyến đa kênh vẫn là một ngành kinh doanh béo bở và được cho là một chiến lược an toàn hơn so với kinh doanh trên một nền tảng duy nhất. Có đến 92% các sellers nói rằng họ đã ghi nhận sự tăng trưởng tích cực ngay trong năm đầu tiên sau khi mở rộng sang kênh bán hàng thứ hai.
Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn cần phải nhận thức và đánh giá đúng các loại chi phí sẽ phát sinh trong hành trình và đặt ra những mục tiêu có thể đạt được. Với một nền tảng phù hợp, bạn có thể bắt đầu kinh doanh trực tuyến đa kênh với một tâm thế tự tin và chắc thắng.