• Share on Facebook
  • Tweet This Post
  • Share on LinkedIn
Retail Business Owner

Những phương pháp tốt nhất để mở rộng từ kinh doanh trực tuyến sang mô hình bán lẻ truyền thống

Kelly HarperKelly Harper
3 Tháng 10, 2019

Có lẽ bạn đã nghe nói rất nhiều rằng – do sự phát triển của công nghệ và lĩnh vực thương mại điện tử, các cửa hàng bán lẻ vật lý sẽ sớm bị tuyệt chủng. Tuy nhiên, theo Hội đồng các Trung tâm Mua sắm Quốc tế, khoảng 78% người tiêu dùng thích mua sắm trực tiếp tại các cửa hàng truyền thống. Không chỉ vậy, mà các cửa hàng truyền thống sẽ tạo ra hơn 94% tổng doanh thu toàn ngành bán lẻ.

Mô hình bán lẻ truyền thống sẽ không bao giờ biến mất, và với tư cách một eSeller, việc đưa các sản phẩm của bạn xuất hiện trong các gian hàng bán lẻ truyền thống sẽ là một cách tuyệt vời để mở rộng sự hiện diện của bạn.

Gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon đã chiếm tới gần một nửa tổng doanh thu thương mại điện tử Hoa Kỳ năm 2018, kiểm soát khoảng 5% tổng doanh thu của toàn bộ thị trường bán lẻ Hoa Kỳ (cả trực tuyến và truyền thống). Tuy nhiên, nó cũng không chấp nhận với việc đơn thuần chỉ kinh doanh trực tuyến, Amazon gần đây đã mở một hiệu sách rộng 400 m2 tại thành phố New York, và sau đó, tiếp tục với các hiệu sách có tên Amazon 4-Star, Amazon Go, và Presented By Amazon — tất cả đều theo mô hình hiệu sách bán lẻ truyền thống.

AmazonGo Retail Store

Apple là một ví dụ điển hình khác. Mặc dù bạn có thể đặt bất cứ sản phẩm nào bạn cần trên mạng trực tuyến, bạn sẽ cảm thấy hoàn toàn choáng ngợp và ấn tượng mỗi khi bước vào bất kỳ cửa hàng Appstore nào của họ. Điều đó là bởi vì các khách hàng đang đòi hỏi một trải nghiệm mua sắm được cá nhân hóa cao độ và nhà bán lẻ nào có khả năng cung cấp cho họ trải nghiệm đó sẽ bán được nhiều hàng hóa và có được nhiều khách hàng trung thành hơn.

Bạn đang tìm cách dịch chuyển các sản phẩm Amazon của mình sang các gian hàng bán lẻ truyền thống? Dưới đây là những thứ bạn cần cân nhắc.

Hãy chắc chắn bạn đã sẵn sàng

Quyết định chuyển sang lĩnh vực bán lẻ truyền thống có thể là một bước đi quan trọng. Vì vậy, trước tiên, hãy xác định xem bạn đã sẵn sàng chưa và liệu bạn có muốn cung cấp sản phẩm cho các nhà bán lẻ truyền thống hay không. Khi cung cấp hàng hóa cho họ, bạn cần cân nhắc một thực tế rằng sẽ có những yêu cầu khác nhau đối với từng người trong số họ. Bạn có thể cần phải:

  • Duy trì một lượng lớn hàng lưu kho
  • Bỏ vốn cho toàn bộ đơn hàng
  • Gửi hàng hóa cho họ theo điều khoản trả chậm trong vòng 90 ngày
  • Nhớ rằng tất cả trách nhiệm liên quan đến việc hủy đơn hàng hoặc trả lại hàng đều nằm ở phía bạn
  • Đáp ứng tất cả mọi yêu cầu thử nghiệm sản phẩm nghiêm ngặt

Mỗi khách hàng đều khác nhau và sẽ có những yêu cầu khác nhau, do đó hãy chuẩn bị để thích ứng với từng nhu cầu của từng nhà bán lẻ.

Làm cho các sản phẩm của bạn thật nổi bật

Bạn biết rõ và yêu thích các sản phẩm của mình, nhưng những nhà bán lẻ mà bạn đang muốn hợp tác cần phải tìm hiểu điều gì làm cho các sản phẩm của bạn trở nên độc đáo, khác lạ và làm thế nào chúng có thể mang đến lợi ích cho công việc kinh doanh của họ. Hãy bắt đầu bằng cách kể câu chuyện của bạn cho họ — bạn là ai, tại sao và bạn đã làm thế nào để có được thành công, và tại sao bạn có thể thành công trong các cửa hàng của họ.

Hãy cùng lấy ví dụ về Cocokind, một doanh nghiệp cung cấp dòng sản phẩm chăm sóc da hữu cơ hoàn toàn tự nhiên. Cocokind khởi đầu bằng việc kinh doanh trực tuyến, nhưng sau đó đã mở rộng sự hiện diện bán lẻ của họ và hiện nay các sản phẩm của họ được bày bán tại chuỗi các cửa hàng bán lẻ trên toàn nước Mỹ như GNC và Whole Foods.

CEO của Cocokind, Priscilla Tsai luôn đảm bảo mọi người mà cô đã từng tiếp xúc đều hiểu điều gì làm cho các sản phẩm của cô nổi bật với việc nhấn mạnh 3 yếu tố quan trọng sau:

  • Thông điệp— Công ty luôn cố gắng tạo dựng mối tương quan bằng cách không chỉ đăng các bài viết phục vụ việc bán sản phẩm, mà còn là cách mà các sản phẩm đó được sử dụng trong thực tế và theo những cách mới.
  • Sáng tạo— Cocokind là một trong những doanh nghiệp đầu tiên sử dụng siêu thực phẩm (superfoods) trong các sản phẩm của họ.
  • Dễ tiếp cận với người tiêu dùng— Mọi sản phẩm của công ty đều có giá bán lẻ dưới 20 USD.

Việc tạo ra sự khác biệt cho các sản phẩm của cô đã thu hút sự chú ý của các đối tác kinh doanh, và khi chúng chính thức xuất hiện trên kệ hàng tại các cửa hàng ở địa phương, những cửa hàng đó lan tỏa thông điệp. Bạn có sử dụng nguyên liệu địa phương? Có một mức giá hấp dẫn? Bài học ở đây là phải có sự khác biệt mạnh mẽ và có khả năng nhanh chóng cũng như nói ngắn gọn cho mọi người biết về những yếu tố làm cho sản phẩm của bạn trở nên độc đáo và tại sao họ lại cần phải đưa chúng vào trong các cửa hàng của họ.

Thu hút sự chú ý của các khách hàng

Tất nhiên, việc thu hút sự chú ý của người mua có thể khó khăn khi họ nhận được hàng tá email và quảng cáo giới thiệu sản phẩm mỗi ngày. Do đó, làm thế nào để bạn có thể xuất hiện thật nổi bật? Hãy đi trực tiếp vào vấn đề. Bạn nên tiếp cận với họ không chỉ qua phương thức email, mà còn thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, điện thoại, và thậm chí là gửi họ các mẫu sản phẩm của bạn và lời ghi chú được viết bằng tay để thu hút sự chú ý của họ.

Trước khi bắt đầu, hãy tìm hiểu về khách hàng hoặc nhà bán lẻ để bạn có thể hiểu nhu cầu và mục tiêu của họ, cũng như cách mà bạn sẽ đáp ứng những nhu cầu đó. Điều này có thể đòi hỏi bạn phải tiến hành nghiên cứu — trực tiếp đến thăm cửa hàng của họ, kiểm tra các sản phẩm hiện tại của họ và mức giá cũng như tìm hiểu trên trang web của họ.

 

Bạn thậm chí có thể nghiên cứu sâu hơn nữa bằng cách chụp ảnh các kệ trưng bày hàng hóa của họ, và sau đó đưa hình ảnh minh họa về sản phẩm của bạn lên trên các kệ đó để khách hàng tiềm năng của bạn có thể hình dung sản phẩm của bạn sẽ trông như thế nào trong các cửa hàng bán lẻ của họ. Nếu bạn có thể thuyết phục họ về cách mà sản phẩm của bạn phù hợp với tình hình và nhu cầu hiện tại của họ ra sao, họ sẽ có xu hướng hợp tác kinh doanh với bạn nhiều hơn.

Gặp gỡ trực tiếp các đối tác

Nếu trong khả năng cho phép, bạn nên ghé thăm cửa hàng mà bạn đang quan tâm hợp tác. Bạn sẽ dễ dàng gây dựng một mối quan hệ khi bạn có khả năng gặp gỡ trực tiếp một ai đó hơn là chỉ đơn thuần tương tác gián tiếp thông qua email hoặc điện thoại.

Khi Tsai lần đầu tiên có ý định đưa Cocokind đến với các cửa hàng truyền thống, cô đã đến từng cửa hàng, để lại mẫu sản phẩm, mô tả về công ty và lĩnh vực hoạt động của nó, và sau đó thiết lập những cuộc gặp gỡ, thảo luận với các đối tác ở trong khu vực. Bạn cũng có thể học hỏi và áp dụng tương tự như vậy; khi ghé thăm các cửa hàng mà bạn muốn hợp tác, hãy chuẩn bị mọi thứ thật kỹ càng để có thể chia sẻ câu chuyện của bạn, điều gì làm cho sản phẩm của bạn trở nên độc đáo và khác biệt so với người khác, những thành công trong kinh doanh trực tuyến mà bạn đã đạt được, và cách mà những thành công đó hoàn toàn có thể được cụ thể hóa trong mô hình cửa hàng truyền thống của họ.

Bạn không nên chỉ tập trung duy nhất vào yếu tố sản phẩm, thay vào đó, hãy nhấn mạnh những gì phù hợp nhất với nhà bán lẻ đó. Khi có mặt trực tiếp tại gian hàng, bạn có thể lắng nghe ý kiến của khách hàng, đặt ra các câu hỏi để biết được mong muốn và mục tiêu của họ, xem và nghiên cứu không gian bán lẻ của họ, và từ đó đưa ra đề xuất danh mục các sản phẩm phù hợp nhất với nhu cầu của họ. Việc đề xuất trưng bày các sản phẩm không phù hợp và có sức bán kém có thể làm hỏng mối quan hệ kinh doanh lâu dài về sau này.

Tham dự các hội chợ triển lãm thương mại

Sau khi nói chuyện với các cửa hàng bán lẻ trong khu vực mục tiêu của bạn, hãy xem xét tham dự các hội chợ triển lãm thương mại có quy mô lớn hơn, nơi bạn có thể kết nối với nhiều đối tượng khách hàng tiềm năng khác nhau. Triển lãm thương mại là một cách thức tuyệt vời để giới thiệu thương hiệu của bạn tới một nhóm đối tượng khách hàng tiềm năng hoàn toàn mới. Tuy nhiên, việc tham dự triển lãm thương mại thường khiến bạn tốn một khoản chi phí đáng kể, vì vậy hãy chắc chắn rằng các khoản chi phí này là xứng đáng.

Hãy hỏi những người khác trong cùng lĩnh vực kinh doanh của bạn nhằm tìm hiểu xem triển lãm thương mại nào phù hợp nhất với bạn. Nếu có thể, hãy trực tiếp tham dự một vài hội chợ với tư cách cá nhân để bạn có thể cảm nhận về chúng và cách mà chúng có thể phù hợp với thương hiệu và sứ mệnh của bạn. Nó là một cơ hội tuyệt vời để kết nối với rất nhiều khách hàng khác nhau mà bạn sẽ không bao giờ có khả năng tiếp cận ở cấp độ cá nhân.

Lời kết

Việc tìm kiếm và có được những đối tác bán lẻ truyền thống phù hợp với doanh nghiệp và sản phẩm của bạn có thể là một thử thách cho các eSellers, nhưng bạn hoàn toàn có thể vượt qua bằng cách xây dựng nhận diện thương hiệu trực tuyến mạnh mẽ, vốn bạn có thể đã và đang thực hiện thường xuyên thông qua các hoạt động tiếp thị qua email và phương tiện truyền thông xã hội.

Xây dựng một sự hiện diện trực tuyến mạnh mẽ cũng như có được một mạng lưới chiến lược có thể tạo ra một nền tảng giúp thuyết phục các đối tác bán lẻ của bạn rằng họ cần phải bổ sung các sản phẩm của bạn lên kệ hàng của họ, và cuối cùng bạn sẽ đạt được thành công trong mô hình bán lẻ truyền thống này.

 

 

 

 

Nội dung được cung cấp trong bài viết này, bao gồm mọi thông tin liên quan đến giá, phí và các khoản phí khác, chỉ chính xác và hợp lệ kể từ ngày được phát hành. Ngoài ra, những thay đổi về quy định, chính sách, điều kiện thị trường hiện hành hoặc các yếu tố liên quan khác đều có thể ảnh hưởng đến tính chính xác của giá và phí được đề cập cũng như các chi tiết liên quan khác. Theo đó, để làm rõ thêm, mọi thông tin liên quan đến giá, phí và các khoản phí khác đều có thể thay đổi và bạn có trách nhiệm đảm bảo rằng mình đang xem nội dung mới nhất phù hợp với bản thân. Payoneer sẽ cung cấp thông tin mới nhất và chính xác nhất liên quan đến giá và phí như một phần của quy trình đăng ký tài khoản. Khách hàng đã đăng ký có thể xem thông tin này thông qua tài khoản trực tuyến của họ.

Đăng kí nhận tin của chúng tôi

Thank you!