Với sự phát triển chóng mặt của công nghệ tìm kiếm bằng giọng nói thông qua đồng hồ thông minh, thiết bị di động và nền tảng công nghệ khác, các nhà tiếp thị liên kết không thể bỏ qua những tác động của nó đối với lĩnh vực tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO). Khi bạn quản lý và triển khai các hoạt động SEO của mình, hãy xem xét mối liên hệ mật thiết của hình thức tìm kiếm bằng giọng nói với chiến lược của bạn.
Sau đây là tổng quan về những con số và dữ liệu chính chứng minh tại sao hình thức tìm kiếm bằng giọng nói đang thay đổi cuộc chơi của các nhà tiếp thị liên kết, cùng với đó là những thông tin chuyên sâu về các phản ứng kịp thời và thích hợp.
Tỷ lệ của các truy vấn tìm kiếm được hỗ trợ bằng giọng nói so với truy vấn bằng chữ truyền thống đã tăng lên đều đặn trong vài năm qua. Gần đây, ComScore dự đoán rằng cho đến năm 2020, có đến một nửa trong tổng số lượng truy vấn tìm kiếm sẽ được bắt đầu thông qua giọng nói. Với dự đoán này, các nhà tiếp thị liên kết phải nhận thức được tác động và tầm quan trọng của công nghệ tìm kiếm bằng giọng nói trong lĩnh vực tìm kiếm nói chung và trong các hoạt động SEO nói riêng.
Có một số khác biệt chính mà bạn cần biết về cách thức mọi người sử dụng tính năng tìm kiếm bằng giọng nói so với truy vấn tìm kiếm bằng chữ truyền thống. Có lẽ sự khác biệt rõ rệt nhất chính là độ dài của một truy vấn. Trong khi tìm kiếm bằng chữ truyền thống thường chỉ bao gồm từ một đến ba từ thì các truy vấn bằng giọng nói thường được tạo ra theo cách thức trò chuyện tự nhiên hơn. Như hình bên dưới mô tả, các truy vấn tìm kiếm bằng giọng nói thường là các cụm từ tìm kiếm đuôi dài từ sáu từ trở lên. Chúng cũng thường xuất hiện dưới dạng câu hỏi tìm kiếm.
Purna Virji, trích dẫn dữ liệu từ Bing
Ngoài ra, tìm kiếm bằng giọng nói được thực hiện thường xuyên hơn đối với các nguồn tài nguyên địa phương. Ví dụ, một người nào đó đang tìm kiếm một nơi để mua sắm hoặc ăn uống, có thể sẽ hỏi Google, “Nhà hàng Nhật Bản gần nhất ở đâu?” Do đó, tìm kiếm thông qua giọng nói là một cơ hội lớn cho những phân khúc địa phương. Ngoài ra các truy vấn tìm kiếm bằng giọng nói thường mang tính khẩn cấp hơn. Do đó, những kết quả mang tính chính xác cao sẽ dễ dàng được chấp nhận hơn.
Biểu đồ dưới đây cung cấp thêm một số dữ liệu về các loại tài nguyên và thông tin mà mọi người thường tìm kiếm thông qua giọng nói:
Trong tổng số các truy vấn tìm kiếm bằng giọng nói, tìm kiếm những thông tin chung chiếm 30%, tìm kiếm những thông tin liên quan đến trợ giúp cá nhân chiếm 27%, tìm kiếm những thông tin ở địa phương chiếm 22% và tìm kiếm những địa chỉ vui chơi, giải trí chiếm 21%.
Là một nhà tiếp thị liên kết, việc tối ưu tìm kiếm bằng giọng nói để phục vụ đối tượng người dùng gửi truy vấn tìm kiếm bằng giọng nói đóng vai trò hết sức quan trọng nhằm cạnh tranh với các sellers địa phương cũng như sellers có quy mô kinh doanh lớn. Sau đây là một số yếu tố chủ yếu cho việc tối ưu hóa tìm kiếm bằng giọng nói.
Tạo câu trả lời cho những câu hỏi: Với xu hướng các truy vấn tìm kiếm có định dạng câu hỏi đang ngày càng trở nên phổ biến, bạn nên chuẩn bị bài viết trên blog và trang đích phục vụ mục đích cung cấp câu trả lời cho những câu hỏi mục tiêu. Bạn thậm chí có thể chuẩn bị các tiêu đề bài viết trên blog dưới định dạng câu hỏi, hoặc là câu trả lời trực tiếp liên quan đến một câu hỏi cụ thể.
Nhắm mục tiêu tới những nhu cầu tức thì: Như đã nói ở trên, tìm kiếm bằng giọng nói thường mang tính nhạy cảm về thời gian. Vì vậy, để có thể nhanh chóng đưa trang đích giới thiệu và kinh doanh các sản phẩm của bạn xuất hiện trước mắt những người đang tìm kiếm thứ gì đó, hãy chuẩn bị nội dung thật kỹ lưỡng với các videos, hình ảnh, lời chứng thực và reviews của khách hàng. Bạn cũng có thể tận dụng tính năng phân đoạn địa lý để thu hút những người tìm kiếm các lựa chọn mang tính địa phương.
Tiếp tục tối ưu hóa cho lĩnh vực SEO truyền thống: Trên thực tế, rất nhiều truy vấn tìm kiếm dẫn kết quả tới các nhà tiếp thị liên kết vẫn mang tính truyền thống. Vì vậy, ngay cả khi bạn điều chỉnh và thích nghi với những thay đổi về thói quen tìm kiếm, hãy tiếp tục tập trung vào các chiến lược SEO truyền thống nhằm hấp dẫn thuật toán của Google cũng như trải nghiệm người dùng.
Dữ liệu và thực tế đã chứng minh rằng các truy vấn tìm kiếm bằng giọng nói là một nhân tố rất quan trọng đối với toàn bộ lĩnh vực tìm kiếm nói chung ở thời điểm hiện tại. Việc tận dụng nội dung có khả năng thu hút và đáp ứng mối quan tâm của các truy vấn tìm kiếm bằng giọng nói sẽ trở nên rất hữu ích cho các nhà tiếp thị liên kết nhưng đồng thời họ vẫn phải chú ý đến yếu tố trải nghiệm người dùng và các chiến lược SEO truyền thống.