Mẹo nghề nghiệp

Freelancing trong bối cảnh đại dịch Coronavirus: Tại sao bây giờ là thời điểm thích hợp để tham gia vào nền kinh tế Gig

Khi đại dịch coronavirus (COVID-19) lây lan ra khắp thế giới, ngày càng nhiều doanh nghiệp đang kêu gọi và thực thi chính sách để nhân viên của họ làm việc tại nhà. Trên thực tế, sáng kiến toàn cầu này trong nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh đã dẫn đến một thử nghiệm mô hình lao động làm việc từ xa lớn nhất từ trước đến nay.

Với việc các trường học và văn phòng đồng loạt đóng cửa trên khắp thế giới, rất nhiều người lao động hợp đồng truyền thống buộc phải ở nhà mà không có bất kỳ khoản thu nhập nào. Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng ở những quốc gia và công ty không áp dụng chế độ nghỉ ốm hưởng lương. Ví dụ tại Hoa Kỳ, chỉ có 55% số lượng lao động được nghỉ làm mà vẫn hưởng lương và một số lao động thậm chí sợ việc phải xin nghỉ ốm vì họ tin rằng điều đó có thể làm tổn thương địa vị của họ trong công ty.

Tại khu vực Đông Nam Á, việc xin nghỉ ốm thường được coi là một điều gì đó không mấy tích cực và nhiều người lao động truyền thống e ngại việc xin nghỉ làm có thể để lại ấn tượng xấu trong mắt những người sếp của họ. Nhưng, tại Singapore và Úc, việc xin nghỉ ốm mà vẫn được trả lương là tương đối phổ biến. Sẽ rất thú vị để chứng kiến xem những thái độ này sẽ phát triển như thế nào khi sự bùng phát của dịch coronavirus tiếp tục lan rộng trên toàn cầu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng triệu người như hiện nay.

Nguồn: straitstimes.com Ảnh: AFP

Bất chấp khủng hoảng trầm trọng về sức khỏe toàn cầu, nền kinh tế freelance vẫn đang tiếp tục hoạt động tốt và trước tình trạng ngày càng nhiều công ty sẽ lâm vào tình trạng thiếu thốn về nhân sự như hiện nay, chúng ta có thể sẽ chứng kiến sự gia tăng đáng kể về số lượng doanh nghiệp tìm đến sự hỗ trợ của lực lượng freelance làm việc từ xa. Khi nhiều lao động truyền thống đang lâm vào cảnh “tiến thoát lưỡng nan”, việc theo đuổi những dự án mang tính thời vụ hiện tại là một lựa chọn tốt để kiếm tiền. Giữa bối cảnh khủng hoảng tồi tệ về sức khỏe và y tế như hiện nay, bạn có nên ở nhà và hoàn toàn không làm gì cả hay chủ động tìm cách kiếm thêm thu nhập cho đến khi dịch bệnh giảm dần?

Hãy cùng tìm hiểu sâu hơn về lực lượng lao động freelance vốn đang phát triển mạnh này ở bên dưới…

Tại sao nhân viên lao động truyền thống nên theo nghề freelance

Giờ đây, nhiều người lao động trên toàn thế giới đang dần thích nghi với tình trạng buộc phải ở nhà, việc tham gia vào lực lượng lao động freelance có thể mang đến ổn định về tài chính, linh hoạt về giờ làm việc và thậm chí cả tỉnh táo về mặt tinh thần cho họ. Các freelancers có nhiều sự tự do và khả năng kiểm soát hơn đối với môi trường làm việc, giờ giấc làm việc cũng như khách hàng của họ và nhờ vào môi trường thế giới kỹ thuật số của ngày hôm nay, những người lao động của nền kinh tế gig có thể cung cấp các dịch vụ của họ cho bất kỳ cá nhân và doanh nghiệp nào trên toàn thế giới. Làm việc tại nhà đang nhanh chóng trở thành một cách thức kiếm tiền hiệu quả, nếu không muốn nói là hiệu quả hơn so với hình thức làm việc văn phòng truyền thống giữa những người đồng nghiệp với nhau.

Mặc dù đối với hầu hết các doanh nghiệp, cách thức làm việc từ xa mà họ đang triển khai không phải là “một điều gì đó hoàn toàn bình thường”, nhưng họ đang dần nhận thấy rằng “nơi làm việc” không chỉ là một tòa tháp văn phòng chứa đầy các nhân viên làm việc bên trong, mà là một trạng thái của tâm trí.

Bạn đang nghĩ đến việc tham gia vào lĩnh vực freelance? Dưới đây là một số lợi ích khi bạn dịch chuyển từ một lao động truyền thống sang một lao động làm việc từ xa.

  1. Tăng năng suất lao động

Ngay cả với xu hướng phát triển ngày càng tăng của mô hình không gian làm việc chung (co-working space) trên khắp thế giới, đa số các freelancers đều thích làm việc tại nhà hơn, trên thực tế là 83%! Khi virus Corona lây lan với một tốc độ ngày càng nhanh như hiện nay, nhiều khả năng con số đó sẽ còn tăng lên. Tại nhà, người lao động thường sẽ ít bị xao lãng bởi các yếu tố ngoại cảnh và có khả năng kiểm soát hoàn toàn môi trường làm việc của họ. Hầu hết những người lao động từ xa đều biết cách điều chỉnh thành công môi trường gia đình của họ sao cho phù hợp với điều kiện làm việc lý tưởng của họ.

Một  thử nghiệm gần đây do Stanford Business thực hiện đã cho thấy mô hình làm việc tại nhà giúp hiệu suất làm việc tăng lên 13%, lợi nhuận tăng gấp đôi và sự hài lòng trong công việc luôn ở mức cao hơn.

  1. Cơ hội kiếm nhiều tiền hơn

Freelancing cho phép người lao động kiểm soát thu nhập của họ bởi vì họ có khả năng tiếp cận được nhiều khách hàng trên toàn cầu hơn do không bị gò bó bởi điều kiện địa lý tự nhiên. Các freelancers có nhiều lựa chọn về công việc hơn và hoàn toàn có khả năng đảm nhiệm nhiều dự án từ một số lĩnh vực nhất định mà họ có chuyên môn cũng như cung cấp các dịch vụ của họ cho khách hàng trên toàn thế giới. Trong bối cảnh dịch bệnh coronavirus đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp như hiện nay, hơn bao giờ hết, đây là thời điểm rất thích hợp để cập nhật, rà soát bộ kỹ năng, kinh nghiệm của bạn để có thể tiếp thị chúng cho các doanh nghiệp trên khắp toàn cầu vốn đang khao khát tìm kiếm các freelancers có khả năng đáp ứng nhu cầu thực hiện dự án của họ.

Vì vậy, việc tham gia vào lĩnh vực freelance sẽ cho bạn cơ hội phát triển, mở rộng tầm nhìn và tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm bổ ích cho sự nghiệp của bạn đồng thời giúp hồ sơ năng lực của bạn xuất hiện ngày càng ấn tượng trong con mắt của các khách hàng và dẫn đến tiềm năng tạo thu nhập ngày càng cao theo thời gian.

  1. Có sự linh hoạt và kiểm soát lịch trình làm việc của riêng bạn

Làm việc từ xa cho phép bạn tự tạo cho bản thân mình một lịch làm việc tốt nhất, cho dù bạn là tuýp người ưa thích làm việc vào sáng sớm hay đêm khuya. Ngoài ra, việc tự lên lịch trình làm việc cho bản thân cũng có thể cho phép bạn linh hoạt tùy theo hoàn cảnh sống của mình. Thêm nữa, việc tự chịu trách nhiệm đối với lịnh trình làm việc cũng sẽ giúp ích cho bạn khi giao dịch với các khách hàng toàn cầu ở những múi giờ khác nhau.

Một nghiên cứu gần đây của Payoneer đối với hơn 7.000 freelancers trên toàn cầu đã chỉ ra rằng những người làm nghề freelance toàn thời gian kiếm được nhiều tiền hơn và hài lòng hơn so với những người kết hợp cả nghề freelance lẫn lao động truyền thống. Mức độ hài lòng cao hơn dẫn đến khả năng cân bằng cuộc sống-công việc tốt hơn, có nghĩa là bạn có thể dành nhiều thời gian hơn để làm những việc bạn yêu thích.

  1. Giảm thời gian di chuyển trên đường

Hầu hết các freelancers không bao giờ phải rời khỏi nhà để đến công sở làm việc, điều này rất tốt cho việc quản lý thời gian, nâng cao sức khỏe cá nhân bởi vì bạn sẽ hạn chế được vấn nạn ùn tắc giao thông vốn rất phổ biến trong những khung giờ cao điểm tại các thành phố lớn với mật độ dân cư đông đúc– bạn cũng đang thực sự góp phần bảo vệ môi trường! Với rủi ro lây nhiễm Covid-19 luôn ám ảnh trong tâm trí mọi người như hiện nay, freelance giúp giảm thiểu thời gian sử dụng các phương tiện giao thông công cộng của bạn cũng như cho phép bạn làm việc tại nhà, đúng như những gì mà các cơ quan y tế đang tuyên truyền mạnh mẽ trong những tuần qua.

Trung bình, Người dân Mỹ chi tiêu từ 2 USD – 5.000 USD mỗi năm cho việc di chuyển từ nhà đến nơi làm việc. Trong khi đó, lao động làm việc từ xa tiết kiệm được nhiều tiền hơn do ít phải đi lại vì nó không cần thiết và đó là một yếu tố khiến họ hài lòng hơn với công việc freelance mà họ đã chọn.

Trở thành một freelancer đồng nghĩa với việc bạn sẽ không phải chịu nhiều căng thẳng hàng ngày khi phải di chuyển một quãng đường dài từ nhà đến nơi làm việc. Ngoài ra, việc di chuyển trên đường vào giờ cao điểm sẽ tiềm ẩn ách tắc giao thông, vốn có thể dễ dàng lấy đi của bạn nguyên cả một buổi sáng hay một bữa tối quây quần bên các thành viên trong gia đình.

Tham gia vào các nền tảng freelance toàn cầu

Các trang web và nền tảng freelance đang thay đổi cách chúng ta làm việc và một trong những cách tốt nhất để freelancer tìm kiếm dự án đó là thông qua các thị trường và trang web freelance. Những nền tảng này có khả năng kết nối các freelancers tài năng cũng như những người mới “chân ướt chân ráo” vào nghề với các khách hàng tiềm năng của họ, ở bất cứ đâu trên thế giới.

Nếu bạn vừa mới gia nhập lực lượng lao động freelance, có rất nhiều nền tảng trực tuyến mà bạn có thể tham gia vào và mỗi nền tảng thường tập trung vào một số lĩnh vực nhất định. Vì vậy, cho dù bạn là một người viết nội dung, nhà thiết kế hoặc lập trình viên, bạn sẽ luôn tìm được một nền tảng phù hợp cho các kỹ năng, chuyên môn và kinh nghiệm của mình.

Dưới đây là danh sách 5 nền tảng trực tuyến tốt nhất đang làm thay đổi cả thế giới freelance.

  1. Upwork

Là một trong những trang web freelance nổi tiếng nhất trên thế giới, Upwork cung cấp nhiều công cụ để khởi động hành trình freelance của bạn và cũng là lựa chọn phổ biến cho các nhà thiết kế đồ họa, lập trình viên và nhiều ngành nghề khác. Thị trường này hiện thu hút hơn 12 triệu freelancers và 5 triệu khách hàng liệt kê khoảng 3 triệu công việc freelance hàng năm.

Hãy tạo một hồ sơ freelance của bạn ngay hôm nay, chờ khách hàng thuê bạn hoặc bạn hoàn toàn có thể chủ động tìm kiếm trên các danh mục công việc và dự án phù hợp với bộ kỹ năng của mình.

  1. Fiverr

Fiverr có lẽ là một trong những trang web freelancing tốt nhất cho những người mới bắt đầu sự nghiệp. Có thể bạn chưa biết, Fiverr hoạt động hơi khác một chút. Các freelancers đăng tải các dịch vụ mà họ có thể cung cấp với giá 5 USD (đó cũng là nguồn gốc của cái tên five-err), nhưng đừng quá lo lắng, bạn hoàn toàn có thể tính phí nhiều hơn 5 USD. Trang web này là một nơi lý tưởng để thể hiện các kỹ năng thực hiện dự án cụ thể, chẳng hạn như thiết kế logo hoặc mã hóa ứng dụng. Tuyệt vời hơn nữa, nó hoàn toàn miễn phí đăng ký!

  1. PeoplePerHour

PeoplePerHour cung cấp cho các freelancers trên toàn thế giới một nền tảng với một loạt những danh mục như phát triển web, video, tiếp thị và bán hàng, dịch thuật v.v…Nền tảng này tập trung vào việc kết nối khách hàng của nó với các freelancers phù hợp. Ngoài ra, nền tảng này đã tạo dựng được uy tín tốt trong mắt các doanh nghiệp trong việc cung ứng công việc có chất lượng cao. Còn đối với các freelancers, PeoplePerHour được đánh giá cao bởi vì đây là một trong những nền tảng giúp họ nhận được thù lao tốt.

  1. Toptal

Toptal là một mạng lưới độc quyền của các nhà thiết kế freelance, chuyên gia tài chính, nhà phát triển phần mềm v.v…Nền tảng này nổi tiếng hào phóng trong việc trả lương cũng như có biểu phí dịch vụ cao hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh khác. Tuy nhiên, quy trình sàng lọc của họ có thể diễn ra căng thẳng và khó khăn bởi vì khách hàng của nó chỉ chấp nhận top 3% các nhà phát triển hàng đầu – vì vậy, thật không dễ để bạn có thể được lựa chọn thực hiện các dự án với những yêu cầu khắt khe từ phía khách hàng. Mặt khác, quy trình sàng lọc kỹ càng, cẩn thận và khó khăn cũng thể hiện rằng nền tảng chỉ cung cấp những tài năng có trình độ hàng đầu cho các doanh nghiệp.

  1. 99designs

Trang web này kết nối tất cả các nhà thiết kế đồ họa và thiết kế web với khách hàng trên toàn thế giới. Khách hàng tìm kiếm tài năng hàng đầu sẽ cung cấp bảng tóm tắt thiết kế để các freelancers tiến hành thực hiện công việc. Chỉ khi khách hàng chấp thuận kết quả công việc, các freelancers mới nhận được thanh toán. Nền tảng đánh giá các dự án của bạn và sau đó phân loại bạn theo cấp độ từ nhà thiết kế entry-level, mid-level hay top-level. Giống như trong một trò chơi, level của bạn càng cao, bạn càng mở khóa được nhiều bổng lộc.

Cho dù đó là một thiết kế logo hoặc thiết kế sách, hãy tham gia vào 99design hôm nay nếu bạn có kỹ năng thiết kế đồ họa.

Lời kết

Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đang buộc các doanh nghiệp ở mọi quy mô, hơn bao giờ hết, phải suy nghĩ lại về cách thức mọi người làm việc và chính sách làm việc tại nhà đang ngày càng trở nên phổ biến hơn. Sẽ không bất ngờ khi làn sóng lao động từ xa hiện tại dịch chuyển từ trạng thái bị ép buộc phải làm việc từ xa sang một tâm trạng thoải mái, phấn khích hơn nhiều khi họ thích nghi với tình hình và khám phá những lợi ích đặc thù của lĩnh vực freelance này.

Đối với các freelancers trên toàn thế giới, tình cảnh hiện tại mang đến một cơ hội vàng để không chỉ kiếm thêm thu nhập mà còn tạo dựng một cách sống bền vững và mở rộng các kỹ năng của họ sang nhiều thị trường mới.

Richard Clayton

Richard is the Head of Content at Payoneer. An accomplished marketing manager, Richard is passionate about thinking creatively to communicate effectively.