5 chỉ số Kinh doanh trực tuyến bạn cần theo dõi thường xuyên
Chúng ta đã dành rất nhiều thời gian thảo luận về tầm quan trọng của việc thiết lập mục tiêu và theo dõi các chỉ số quan trọng cho công việc Kinh doanh trực tuyến của bạn. Tuy nhiên, đối với các eSellers có nguồn lực và thời gian hạn chế, bạn chỉ muốn tập trung hết sức mình vào một vài chỉ số thực sự góp phần thúc đẩy thành công của bạn. Nói chung, các chỉ số hữu ích nhất là những con số thể hiện thành công của bạn trong việc thu hút, chuyển đổi và duy trì những khách hàng lý tưởng cho công việc kinh doanh của bạn.
Dưới đây là tổng quan về một số chỉ số Kinh doanh trực tuyến quan trọng nhất, bao gồm các chiến lược và tips làm thế nào để tích hợp chúng vào trong hoạt động của bạn.
Tỷ lệ chuyển đổi
Chỉ số được coi là hữu hình và thiết yếu nhất trong lĩnh vực Kinh doanh trực tuyến là tỷ lệ chuyển đổi của bạn. Tỷ lệ này là phần trăm của các đơn hàng bạn tạo ra tương ứng với tổng số khách truy cập vào trang web của bạn. Nếu bạn có 10.000 khách truy cập trong một khoảng thời gian nhất định và có được 500 khách hàng mua hàng trong khoảng thời gian đó, tỷ lệ chuyển đổi của bạn là 5%. Nghĩa là cứ 100 khách truy cập sẽ có 5 người mua hàng.
Khi bạn đánh giá tỷ lệ chuyển đổi của riêng bạn, điều quan trọng là phải biết được cơ sở kỳ vọng là gì. Tỷ lệ chuyển đổi trực tuyến trên toàn thế giới dao động từ 2,5-3,25% trong những quý gần đây. Dữ liệu ở Hoa Kỳ cũng tương đồng với dữ liệu toàn cầu. Tuy nhiên, thật thú vị, tỷ lệ chuyển đổi ở Anh Quốc cao hơn khoảng 2% so với tỷ lệ ở Mỹ và toàn cầu.
Nó cũng hữu ích khi so sánh tỷ lệ chuyển đổi của bạn với những trang web khác có hình thức kinh doanh tương tự như bạn. Các doanh nghiệp phần mềm có xu hướng chuyển đổi với tỷ lệ cao hơn khoảng 1% so với tỷ lệ chuyển đổi trung bình của lĩnh vực kinh doanh trực tuyến toàn cầu, trong khi đó các trang web kinh doanh sản phẩm phục vụ các môn thể thao ngoài trời chuyển đổi với tỷ lệ cao hơn khoảng 2% so với tỷ lệ chuyển đổi trung bình.
Ngoài ra, bạn có thể phân tích chi tiết hơn nữa để xác định tỷ lệ chuyển đổi dựa vào các chiến lược tiếp thị cụ thể được sử dụng và từng loại khách hàng khác nhau. Ví dụ, tỷ lệ chuyển đổi của những khách truy cập lần đầu thông thường sẽ thấp hơn so với tỷ lệ tương ứng của những khách truy cập thường xuyên và lặp lại. Nếu bạn có thể xác định được kênh quảng cáo số, truyền thông xã hội và bất kỳ kênh nào khác giúp thúc đẩy chuyển đổi hiệu quả hơn, bạn có thể tập trung nguồn lực tối đa vào những kênh đó.
Nguồn: Statista
Tỷ lệ hủy bỏ giỏ hàng
Tỷ lệ hủy bỏ giỏ hàng là một phép đo lường của những cơ hội bị bỏ lỡ và nó có mối tương quan chặt chẽ đến tỷ lệ chuyển đổi của bạn. Gần đây chúng tôi đã thảo luận một số nhân tố phổ biến dẫn đến tỷ lệ hủy bỏ giỏ hàng cao. Việc thực hiện một số chiến lược hiệu quả để giảm nhẹ những nguyên nhân này có thể giúp bạn giảm đáng kể tỷ lệ hủy bỏ giỏ hàng đồng thời làm tăng tỷ lệ chuyển đổi của bạn.
Tỷ lệ hủy bỏ giỏ hàng cũng dao động tùy theo ngành, nhưng phạm vi thường là từ 50-75% đối với các trang web Kinh doanh trực tuyến chuyên nghiệp. Những con số này có nghĩa là phần lớn những người bắt đầu quá trình mua hàng đều rời khỏi trang web mà không hoàn thành việc mua hàng. Việc theo dõi tỷ lệ của riêng bạn giúp bạn xác định được mức độ vấn đề của bạn, và cho phép bạn tập trung vào các chiến lược để giảm tỷ lệ hủy bỏ giỏ hàng của bạn.
Giá trị trung bình mỗi đơn hàng
Tỷ lệ mà bạn chuyển đổi những khách truy cập thành khách hàng mua hàng chỉ là một yếu tố ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của bạn. Giá trị trung bình mỗi đơn hàng cũng đóng một vai trò quan trọng không kém. Một doanh nghiệp tạo ra trung bình mỗi đơn hàng là 30 đô la và có được 1.000 đơn hàng mỗi tháng sẽ kiếm được nhiều hơn 10.000 đô la so với một trang web tương tự nhưng chỉ tạo ra giá trị trung bình mỗi đơn hàng là 20 đô la với cùng lượng đơn hàng và cơ sở khách hàng.
Theo dữ liệu gần đây của RJ Metrics, có đến 90% tổng số lượng người mua hàng trực tuyến chi tiêu trung bình 54 đô la cho mỗi đơn đặt hàng (xem hình bên dưới). Mặc dù dữ liệu này giúp bạn có một cái nhìn chi tiết về những gì bạn có thể chờ đợi về giá trị chi tiêu trung bình của đa số người tiêu dùng, dữ liệu của nhóm 10% những người có mức chi tiêu lớn thực sự mang lại nhiều kỳ vọng cho bạn hơn. Gía trị trung bình mỗi đơn hàng trong số top 10% những người mua hàng là 163 đô la và top 1% có giá trị trung bình lên tới 267 đô la.
Nguồn: RJMetrics
Thông điệp từ dữ liệu trên là rõ ràng, nếu bạn thu hút được càng nhiều khách hàng thuộc nhóm 10% tổng số người chi tiêu cao và 1% nhóm những người có mức chi tiêu đặc biệt cao, bạn càng có cơ hội tốt hơn để gia tăng giá trị trung bình mỗi đơn hàng. Bên cạnh đó, các yếu tố khác như có một trải nghiệm người dùng mạnh mẽ, có chính sách ưu đãi hấp dẫn dành cho các khách hàng mua gộp các sản phẩm, và theo dõi hiệu quả các chiến dịch truyền thông qua email có thể góp phần cải thiện giá trị trung bình của các đơn đặt hàng.
Tỷ lệ bỏ trang (Bounce rate)
Tỷ lệ bỏ trang của bạn là phần trăm của những khách truy cập vào trang web của bạn nhưng ngay sau đó thoát khỏi trang đích mà không nhấp vào bất kỳ trang nào khác. Khi bạn có tỷ lệ bỏ trang cao nó đồng nghĩa với việc khách truy cập đang không tương tác với nội dung của bạn và không thấy thông tin hoặc tài nguyên của bạn có giá trị đối với họ.
Trong lĩnh vực Kinh doanh trực tuyến, tỷ lệ bỏ trang cao có nghĩa là bạn đang không kết nối tốt với những khách truy cập cũng như không có một trang đích có sản phẩm và dịch vụ đáp ứng được nhu cầu của họ. Trong trường hợp này, hãy xem lại các chiến lược truyền thông xã hội và quảng cáo số của bạn để bảo đảm thị trường mục tiêu, thông điệp, và trang đích của bạn được đồng bộ với nhau. Để thúc đẩy doanh thu, bạn cần những khách truy cập thích thú tìm hiểu và khám phá nội dung cũng như các giải pháp của bạn.
Một chỉ số khác gắn liền với tỷ lệ bỏ trang là khoảng thời gian truy cập. Thời gian trung bình truy cập của khách truy cập càng dài bao nhiêu, họ càng có nhiều khả năng mua hàng của bạn bấy nhiêu. Chỉ số lý tưởng là bạn đồng thời có một tỷ lệ bỏ trang tương đối thấp và khoảng thời gian truy cập trung bình cao.
Chi phí mỗi lần có khách hàng mới (CPA-Cost-Per-Acquisition)
Bạn phải đầu tư rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức vào việc kinh doanh của mình để thu hút các khách hàng. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải theo dõi và biết được số tiền bạn phải chi ra để có được mỗi khách hàng. CPA được tính bằng cách chia tổng số tiền chi tiêu về quảng cáo của bạn trong một khoảng thời gian nhất định cho tổng số khách hàng mới lần đầu đặt hàng trong cùng khoảng thời gian đó. Nếu bạn đầu tư 5.000 đô la vào quảng cáo và thu hút 250 khách hàng mới, thì CPA của bạn là 20 đô la Mỹ.
CPA dao động đáng kể tùy theo từng ngành, nhưng dữ liệu gần đây của Google Adwords cho thấy rằng CPA trung bình tổng thể thông qua nền tảng quảng cáo của nó là khoảng 60 đô la. Các nhà quảng bá công nghệ có mức CPA trung bình ở mức thấp nhất với chi phí khoảng 20 đô la cho mỗi khách hàng mới có được. Bên cạnh chuẩn ngành, bạn có thể thực hiện phép so sánh giữa CPA với giá trị trung bình mỗi đơn đặt hàng của bạn để biết rõ tình trạng sức khỏe tài chính của các hoạt động của bạn. Chỉ số lý tưởng là khi bạn đồng thời có giá trị trung bình đơn đặt hàng cao hơn trung bình và CPA thấp hơn trung bình ngành. Lúc này bạn hoàn toàn có thể nghĩ đến việc tăng ngân sách quảng cáo của bạn để thu hút thêm nhiều khách hàng phù hợp với cơ sở khách hàng hiện tại của bạn.
Lời kết
Là một eSeller, bạn không muốn bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào, dù là nhỏ nhất trong một môi trường Kinh doanh trực tuyến đầy cạnh tranh này. Việc theo dõi dữ liệu về cơ sở khách hàng của bạn, tỷ lệ chuyển đổi, tỷ lệ hủy bỏ giỏ hàng, tỷ lệ bỏ trang và CPA giúp bạn hiểu được những gì đang phát huy hoặc không phát huy hiệu quả trong các hoạt động hiện tại của bạn. Hãy sử dụng những phép đo lường của bạn để xác định cơ hội cải thiện và thiết lập mục tiêu mới.