Các eSellers nên thích nghi với sự gia tăng của hình thức tìm kiếm bằng giọng nói như thế nào?
Khi công nghệ phát triển và người dùng tiếp tục tìm kiếm những tiện ích cải tiến trong các trải nghiệm công nghệ của họ, thì hình thức tìm kiếm bằng giọng nói cũng đang có chiều hướng tăng lên. Nó có vẻ chỉ là một sự thay đổi rất nhỏ trong lĩnh vực tìm kiếm này, nhưng cách thức và cách tiệp cận tìm kiếm trên Google bằng giọng nói dẫn đến các kết quả khác nhau so với hình thức tìm kiếm bằng chữ truyền thống. Do vậy, bạn cũng cần điều chỉnh các chiến lược SEO tương ứng.
Tìm kiếm bằng giọng nói đơn giản có nghĩa là người dùng nói truy vấn tìm kiếm vào bên trong thiết bị chứ không phải nhập chúng bằng văn bản truyền thống vào thanh tìm kiếm trên máy tính. Dưới đây là tổng quan về một số tác động quan trọng liên quan đến xu hướng gia tăng tìm kiếm bằng giọng nói, cùng với một số lời khuyên và gợi ý về cách thức các eSellers nên điều chỉnh.
Sự gia tăng của việc sử dụng tìm kiếm bằng giọng nói có ý nghĩa như thế nào? Các báo cáo trong năm qua của cả Google và Bing đều cho thấy khoảng 20-25% tổng các tìm kiếm trên thiết bị di động được thực hiện bằng giọng nói. Bên cạnh những người sử dụng điện thoại Iphone và Android để thực hiện các tìm kiếm bằng giọng nói như vậy, những người sử dụng đồng hồ thông minh cũng hoàn toàn có thể tận hưởng tính năng này. Khi thị trường làm quen hơn với kiểu hành vi này và có nhiều người hơn tiếp cận với công nghệ, có thể thấy rằng xu hướng tìm kiếm bằng giọng nói sẽ còn tăng nhiều hơn nữa trong tương lai.
“Tìm kiếm bằng giọng nói khác với tìm kiếm bằng chữ truyền thống như thế nào?”
Lý do chính mà bạn cần phân biệt tác động của tìm kiếm bằng giọng nói với tìm kiếm bằng chữ truyền thống là hành vi thực hiện của người dùng là khác nhau. Trong khi người dùng trực tuyến nhập các từ khóa, thông thường là từ hai đến sáu từ, thì các tìm kiếm bằng giọng nói thường gửi một truy vấn tìm kiếm dưới dạng câu hỏi.
Ví dụ, người tìm kiếm truyền thống có thể thực hiện một truy vấn tìm kiếm “Nhà hàng Sushi ngon nhất ở Dallas.”. Ngược lại, một ai đó đang tìm kiếm thông tin tương tự có thể đặt một câu hỏi bằng giọng nói “Nhà hàng Sushi ngon nhất ở Dallas nằm ở đâu.?”
Khi bạn xem xét ảnh hưởng của các từ khóa trong các chiến lược về SEO và tiếp thị nội dung, rõ ràng cách tiếp cận tìm kiếm đa dạng này có tác động đến các kết quả tiềm năng. Do đó, nói chung, bạn nên cố gắng trình bày các bài viết trên blog và các nội dung khác dưới dạng câu trả lời chuyên sâu cho câu hỏi mà bạn đoán trước người dùng sẽ đặt ra.
Như thường lệ, Google thích nghi nhanh chóng
Không có bất kỳ ai phản ứng nhanh hơn chính Google trong việc đáp ứng cách người dùng thực hiện tìm kiếm. Google tự hào liên tục cập nhật các thuật toán của nó để mang đến cho người sử dụng các kết quả tìm kiếm phù hợp và hữu ích nhất có thể.
Nhận thấy rằng hiện tại rất nhiều người dùng thực hiện tìm kiếm bằng giọng nói khi đang di chuyển, Google đã ưu tiên các câu trả lời trực tiếp cho các câu hỏi trước các liên kết và mô tả đến các trang liệt kê tìm kiếm truyền thống. Lý tưởng nhất, nó muốn người dùng nhận được một “câu trả lời phong phú” cho câu hỏi của họ ở đầu trang mà không cần phải nhấp chuột tới các nguồn khác.
Các answer boxes (một tính năng tự động lựa chọn các câu trả lời tốt nhất, phong phú nhất có trên các trang web để hiển thị ngắn gọn cho các truy vấn tìm kiếm của người dùng) đã thực sự đóng vai trò nổi bật trên Google trong một vài năm trở lại đây. Một báo cáo gần đây của MarketingProfs infographic ghi nhận rằng có đến 43,3 % các tìm kiếm bằng giọng nói dẫn đến kết quả hiển thị trên answer box, so với 40,6 % các tìm kiếm bằng chữ truyền thống.
Bạn hãy thực hiện nghiên cứu
Trước khi các eSellers tập trung vào chiến lược SEO cho các truy vấn tìm kiếm bằng giọng nói, điều quan trọng là phải xem xét những đặc điểm tiêu biểu và phổ biến của các truy vấn tìm kiếm này. Rất may, Google đã cho phép bạn tiếp cận một số nghiên cứu hữu ích về hình thức tìm kiếm bằng giọng nói để giúp bạn có được những hiểu biết chuyên sâu về lĩnh vực này.
Một trong những phẩm chất quan trọng nhất, đồng thời ít ngạc nhiên nhất của một truy vấn tìm kiếm bằng giọng nói điển hình là nó được thực hiện từ một ai đó đang di chuyển. Người này thường không có mặt ở nhà và muốn có một câu trả lời nhanh cho một câu hỏi hoặc các hướng đưa đến một điểm nào đó ở địa phương. Do những truy vấn tìm kiếm này thường được gửi đi trên những chiếc điện thoại thông minh và các thiết bị nhỏ gọn khác, người dùng chắc chắn không muốn trải nghiệm trang web giao diện máy tính. Các tìm kiếm này thường không phải là các truy vấn chuyên sâu cho các thông tin nhạy cảm.
Lập chiến lược tương ứng
Việc trang bị cho mình những hiểu biết sâu rộng về tác động của hình thức tìm kiếm bằng giọng nói, và cách thức thực hiện của nó, bạn có thể thiết lập một số chiến lược hiệu quả trong SEO của bạn. Đầu tiên, xu thế này cho thấy tầm quan trọng của nội dung chất lượng cao thậm chí còn lớn hơn trước đây. Hãy coi nó là một mục tiêu để bạn cung cấp một câu trả lời hiệu quả cho một vấn đề hoặc câu hỏi mà Google tin là tốt nhất, một câu trả lời thật súc tích dựa trên thuật toán thân thiện với người dùng của nó. Nếu bạn thường xuyên thực hiện theo cách này, bạn sẽ có được một lưu lượng truy cập đáng kể nhấp vào answer box ở đầu trang.
Các câu trả lời phong phú có xu hướng cung cấp một phạm vi trả lời toàn diện cho một câu hỏi, nhưng theo một cách súc tích. Trong một số trường hợp, câu trả lời theo dạng các liệt kê con số hoặc gạch đầu dòng cũng có thể đóng góp vào thành công trong việc xuất hiện ở vị trí đầu trang này.
Hãy đào sâu nghiên cứu hơn nữa về thị trường và từ khóa tìm kiếm của bạn. Bạn phải tìm hiểu các loại câu hỏi mà những người dùng mục tiêu của bạn có thể nói trong một truy vấn tìm kiếm để bạn có thể nhắm mục tiêu đến cả một cụm từ khóa đuôi dài này, đồng thời đưa ra các phản hồi chính xác, điều mà Google và người dùng đều đánh giá cao.
Hãy nhớ rằng bản chất của các sản phẩm và dịch vụ của bạn, cũng như các vấn đề và truy vấn tìm kiếm điển hình của người dùng có thể không dẫn đến một tỷ lệ phần trăm tìm kiếm bằng giọng nói đáng kể. Trên thực tế, các eSellers ít có khả năng bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng tìm kiếm bằng giọng nói so với các cửa hàng truyền thống muốn thu hút lượng khách tham quan mua sắm trực tiếp. Người dùng trực tuyến có xu hướng dành nhiều thời gian hơn để nghiên cứu các giải pháp và sẵn sàng tham khảo các nội dung chuyên sâu có sự hỗ trợ về hình ảnh và video. Vì vậy, đừng thay đổi hoàn toàn nội dung tiếp cận của bạn nếu đa số các khách hàng tiềm năng của bạn không thuộc nhóm xu thế này.
Lời kết
Một thứ được coi là bất biến trong lĩnh vực tối ưu hóa công cụ tìm kiếm là thay đổi. Khi người dùng học hỏi các tính năng tiện lợi của các thiết bị công nghệ mới, các hành vi tìm kiếm của họ cũng sẽ thích nghi tương ứng. Đừng bỏ qua tác động của các tìm kiếm bằng giọng nói, hình thức này sẽ chỉ có xu hướng gia tăng trong tương lai. Các eSellers chủ động điều chỉnh các chiến lược của họ để phù hợp hơn với xu thế này có nhiều khả năng thu hút lưu lượng truy cập từ các tìm kiếm có liên quan lớn hơn so với những đối thủ cạnh tranh không làm gì cả.
Bạn cũng không nhất thiết phải từ bỏ những thứ hiện đang mang lại hiệu quả. Như đã đề cập ở trên, nếu các khách hàng của bạn không có những nét phù hợp với đặc điểm phổ biến mà Google đã xác định trong số những người tìm kiếm bằng giọng nói, hãy tiếp tục tập trung vào nội dụng chất lượng cao, hữu ích và phù hợp với các khách hàng của bạn.