• Share on Facebook
  • Tweet This Post
  • Share on LinkedIn
Becoming a Successful Freelancer

Làm thế nào để trở thành một Freelancer thành công: 7 tips & thủ thuật từ Fiverr PRO Sellers

Richard ClaytonRichard Clayton
6 Tháng 11, 2020

Xin chúc mừng! Bạn đã quyết định tham gia vào thế giới freelance tự do, linh hoạt và hoàn toàn tự chủ.

Là một freelancer mới chập chững vào nghề, mọi thứ có thể hơi vất vả và rắc rối khi phải tự quản lý quá trình làm việc của bản thân, nhưng chắc chắn bạn sẽ cảm thấy dễ dàng hơn nếu bạn có một phương pháp và cách tiếp cận hợp lý. Trở thành freelancer và làm việc từ xa đem lại cho chúng ta rất nhiều lợi ích, chẳng hạn như có thể thiết lập lịch biểu làm việc của riêng bạn, tự mình làm chủ, tự thiết lập và quản lý mức giá dịch vụ freelance của bạn và cuối cùng nhưng cũng rất quan trọng đó là khả năng làm việc ở bất cứ đâu.

Giờ thì bạn đang tự nghĩ, thật tuyệt vời, nhưng làm cách nào để bắt đầu và làm thế nào để sự nghiệp freelance của tôi có thể cất cánh và đạt được nhiều thành công?

Tại Hội nghị Thượng định Ảo Toàn cầu BEYOND 24 gần đây, chúng tôi đã tổ chức một phiên thảo luận hết sức sôi nổi với thị trường freelance trực tuyến hàng đầu trên thế giới, Fiverr, với sự góp mặt của một Customer Success Manager là Brandon Mallo và hai Fiverr PRO sellers (freelancers) là Maddie Cohen và Frank Davis. Phiên thảo luận đã đề cập đến những yếu tố cần thiết để trở thành một freelancer thành công và làm thế nào để luôn chủ động dẫn dắt cuộc chơi.

Xem toàn bộ phiên thảo luận bên dưới!

Dưới đây, chúng tôi sẽ tóm tắt nội dung phiên thảo luận liên quan đến các tips hàng đầu và phương pháp tốt nhất để bắt đầu trở thành một freelancer và cách thức để bạn có thể tạo sự khác biệt trong một thị trường freelance ngày càng phát triển như hiện nay.

  1. Hãy chắc chắn bạn đã có “tấm lưới an toàn”

Maddie, một freelancer chuyên viết nội dung quảng cáo dày dạn kinh nghiệm, đã chia sẻ rằng nếu bạn chỉ mới bắt đầu làm freelancer, điều quan trọng là phải có một số nguồn thu nhập ổn định trước khi tham gia thị trường lao động freelance. Để có khả năng kiếm tiền tốt trong lĩnh vực freelance đòi hỏi phải có sự chọn lọc kỹ càng về công việc bạn chọn. Vì vậy, bạn nên chuẩn bị sẵn một số khoản tiết kiệm đủ để trang trải cho các chi phí hàng ngày trong khi tìm kiếm các dự án công việc phù hợp với bạn.

Cho dù bạn đang có một công việc ổn định toàn thời gian hay làm việc tự do bán thời gian, việc có dòng thu nhập ổn định trong ít nhất 5 tháng đầu tiên của sự nghiệp freelancing mới sẽ giúp bạn tự tin để xây dựng doanh nghiệp freelance của mình từ con số không. Trong giai đoạn ban đầu, chắc chắn bạn sẽ không thể ngay lập tức nhận được những dự án béo bở hoặc nhanh chóng có được những kết quả tích cực. Bạn cần phải kiên nhẫn và cho phép mình khả năng học hỏi, thậm chí là phạm sai lầm và thất bại. Chỉ như vậy bạn mới có cơ hội thích nghi, đúc kết kinh nghiệm và vươn tới thành công trong tương lai.

  1. Học cách nói “Không”

Nói thì luôn dễ hơn làm, nhưng quả thật, khi mới bắt đầu sự nghiệp làm freelancer, bạn nên học cách nói “KHÔNG”! Ví dụ, nếu bạn được mời đảm nhận một dự án có vẻ không phù hợp hoặc nếu bạn thiếu bộ kỹ năng bắt buộc để thực hiện tốt dự án đó, bạn sẽ cần học cách từ chối. Khi bắt đầu sự nghiệp freelance, cũng như trong bất kỳ công việc kinh doanh nào khác, bạn thường có xu hướng muốn nhận mọi dự án và các khách hàng đến với mình, nhưng để thành công và phát triển bền vững, bạn sẽ thực sự phải học cách từ chối những dự án công việc không phù hợp với bộ kỹ năng bạn có hoặc không mang lại giá trị cho bạn.

Thay vào đó, bạn nên tập trung vào loại hình công việc mà bạn có niềm đam mê cũng như phù hợp với khả năng và bạn cảm thấy nó là tốt nhất cho bạn. Bằng cách tiếp cận này, bạn có thể tạo dựng sự nghiệp freelance và xây dựng mối quan hệ bền chặt/ chuyên nghiệp với những khách hàng mà BẠN muốn được hợp tác cùng.

  1. Biết khi nào cần tăng giá dịch vụ

Theo thời gian, bạn sẽ nhận thấy rằng khối lượng công việc mà bạn đảm trách sẽ tăng lên, thậm chí nhiều hơn so với mức bạn có thể xử lý. Do vậy, bạn nên áp dụng chính sách tăng giá dần dần. Những freelancers ít kinh nghiệm thường có xu hướng lo sợ rằng nếu họ đặt giá dịch vụ quá cao ngay từ đầu, họ sẽ nhanh chóng mất khách hàng. Tuy nhiên, điều đó không phải lúc nào cũng đúng. Trên thực tế, nếu bạn thiết lập mối quan hệ tốt với khách hàng của mình và cung cấp các sản phẩm chất lượng, đáp ứng và vượt yêu cầu của họ, họ sẽ sẵn lòng tiếp tục hợp tác với bạn, ngay cả khi bạn tăng giá dịch vụ.

Đừng ngần ngại khởi đầu với một bảng giá mà bạn cảm thấy xứng đáng với kiến thức, năng lực và chuyên môn của bạn. Luôn làm việc nhất quán theo cách của bạn hướng tới những mục tiêu mà bạn muốn đạt được và mạnh dạn đề xuất tăng mức thù lao khi bạn cảm thấy phù hợp và xứng đáng với những gì bạn đã và đang thực hiện.

  1. Xác định “ngách” của bạn

Bạn có chuyên môn tại một lĩnh vực cụ thể nào không? Trong một thị trường freelance toàn cầu gồm có rất nhiều freelancers tài năng như hiện nay, điều quan trọng là phải tìm ra được một “khoảng trống nhu cầu” chưa được lấp đầy tại lĩnh vực chuyên môn của bạn. Bạn hãy thực hiện một số nghiên cứu và xác định được ai là khách hàng tiềm năng mục tiêu và tập trung mọi nỗ lực của bạn vào họ. Cho dù bạn là người viết nội dung quảng cáo hay là biên tập viên video, hãy nhấn mạnh cho khách hàng tiềm năng của bạn về những điểm đặc biệt mà bạn có thể cung cấp cho họ và tại sao bạn lại khác biệt so với những người khác trong lĩnh vực của bạn.

  1. Định giá công việc của bạn dựa trên giá trị bạn cung cấp cho khách hàng

Khi bạn mới bắt đầu hợp tác với một khách hàng cụ thể, bạn nên tránh tính phí dịch vụ theo giờ hoặc đưa ra một mức phí cố định. Thay vào đó, hãy áp dụng chiến lược định giá dựa trên giá trị. Điều này có nghĩa là gì? Định giá dựa trên giá trị có nghĩa là bạn liên kết mức giá dịch vụ của mình với kết quả công việc mà bạn bàn giao cho khách hàng chứ không phải lượng thời gian cần thiết để hoàn thành dự án. Các freelancers hàng đầu hoặc PRO sellers (tên mà nền tảng Fiverr dùng để chỉ những freelancers xếp hạng cao nhất) sẽ định giá công việc của họ dựa trên giá trị mà họ cung cấp cho khách hàng, trong khi những người khác thường thiết lập giá dịch vụ theo giờ.

Bạn nên đặt càng nhiều câu hỏi càng tốt và cố gắng hiểu được mục tiêu của khách hàng là gì sau khi dự án được hoàn thành. Công việc bạn đã thực hiện đem lại giá trị gì cho họ và liệu họ sẽ sử dụng nó để đạt được những mục tiêu cụ thể nào của riêng họ không? Đừng bao giờ đánh giá thấp nỗ lực của bạn mà thay vào đó, hãy đặt giá dịch vụ của bạn theo nhu cầu của người sử dụng dịch vụ. Hãy tập trung vào giá trị công việc của bạn hơn là chỉ tập trung vào yếu tố giá cả.

  1. Tạo không gian làm việc thoải mái

Frank tiếp tục chia sẻ rằng nếu bạn đang dần dịch chuyển từ môi trường hành chính văn phòng truyền thống sang làm việc freelancing, bạn sẽ phải đối mặt với một thách thức lớn hơn đó là sự chuyển đổi từ việc hợp tác triển khai công việc trực tiếp với những đồng nghiệp thân thương của bạn sang trạng thái tự triển khai công việc một mình tại bất kỳ đâu phù hợp với bạn.

Cho dù đó là trong một căn phòng ngủ ấm cúng của bạn hay là tại một không gian làm việc chung, bạn cần tìm một nơi nào đó khiến bạn cảm thấy yên tĩnh và không bị phân tâm, một không gian mà bạn cảm thấy mình làm việc hiệu quả nhất có thể. Không gian lý tưởng của bạn cũng có thể đơn giản chỉ cần một chiếc bàn làm việc với đầy đủ công cụ cần thiết cho công việc. Ngoài ra, nghề freelance cho phép bạn linh hoạt hơn trong việc sử dụng ngày làm việc của mình, có nghĩa là bạn có thể tự do tuỳ chỉnh một ngày làm việc theo cách cân bằng hơn tuỳ thuộc vào loại môi trường bạn chọn để làm việc. Hẹn đi uống cà phê với bạn bè trước khi bắt đầu thực hiện dự án hoặc đi bơi nếu bạn sống gần bờ biển sẽ giúp bạn nạp đầy năng lượng cho một ngày làm việc hiệu quả ở phía trước.

Bạn có thể áp dụng phương pháp kỹ thuật Pomodoro nổi tiếng để nâng cao năng suất lao động. Phương pháp quản lý thời gian này khuyến khích mọi người làm việc chủ động với quỹ thời gian họ có —thay vì để thời gian chi phối bạn. Nó hoạt động như thế nào? Kỹ thuật này chia ngày làm việc của bạn thành các phiên làm việc kéo dài 25 phút liên tục và giữa mỗi phiên làm việc sẽ là quãng giải lao ngắn kéo dài từ 3-5 phút. Mỗi phiên làm việc 25 phút này được gọi là một Pomodoro và cứ sau 4 phiên Pomodoros bạn sẽ có một quãng nghỉ giải lao dài hơn trong vòng từ 15-20 phút. Phương pháp này giúp bạn định kỳ nạp lại năng lượng và tránh rơi vào tình trạng kiệt sức.

  1. Đừng quên xây dựng mạng lưới quan hệ

Với rất nhiều freelancers tài năng đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới thông qua các sàn giao dịch freelance trực tuyến, làm thế nào để bạn nổi bật giữa đám đông, đặc biệt nếu bạn là người mới? Tất nhiên là bằng cách kết nối và tạo dựng quan hệ với các khách hàng tiềm năng và mạng lưới quan hệ của bạn. Tùy thuộc vào chuyên môn của mình, bạn nên tham gia vào các diễn đàn hoặc nhóm và kết nối với những người có thể giới thiệu bạn với những khách hàng đang tìm kiếm freelancer phù hợp.

Maddie chia sẻ rằng bạn cũng nên lan toả thông tin cho bạn bè và người thân của mình vì họ có thể quen biết những nhà tuyển dụng hoặc doanh nghiệp đang có nhu cầu tìm kiếm nhân tài thuộc lĩnh vực chuyên môn của bạn. Bằng cách thiết lập mạng lưới các mối quan hệ, bạn có thể nhanh chóng xây dựng và nhận được nhiều review tích cực trên nền tảng freelance của mình. Bạn càng nhận được nhiều review tích cực, bạn càng trở nên hấp dẫn hơn trong mắt những công ty đang tìm kiếm tài năng trong lĩnh vực chuyên môn của bạn.

Lời kết

Cả Maddie và Frank đều kết thúc phiên thảo luận của chúng tôi bằng cách nhấn mạnh rằng nếu bạn cam kết với công việc và khách hàng của mình cũng như yêu thích các dự án thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình, bạn chắc chắn sẽ phát triển và gặt hái thành công với tư cách một freelancer nhanh hơn so với bạn tưởng! Kiếm sống bằng nghề freelance đã tồn tại và phát triển và đối với những người sẵn sàng cống hiến thời gian và công sức cho nó, freelancing có thể giúp bạn hiện thực hóa giấc mơ về một lối sống tự do, linh hoạt, phóng khoáng đồng thời đem lại nguồn thu nhập ổn định và hấp dẫn.

Bạn cần hiểu rằng trở thành freelancer là một quá trình và bạn có thể mắc sai lầm và thất bại. Ngay cả trong một thị trường vốn đã tương đối bão hòa như hiện nay, bạn chắc chắn vẫn có thể tìm thấy cho riêng mình một “khoảng trống” phù hợp với khả năng và chuyên môn của bạn. Rốt cuộc, doanh nghiệp của bạn phát triển như thế nào hoàn toàn tùy thuộc vào bạn và tư duy mà bạn thích ứng.

Bạn có thể áp dụng các tips và thủ thuật này để tiết kiệm thời gian, thiết lập mức giá dịch vụ phù hợp và giữ chân các khách hàng thân thiết của bạn!

Bạn cũng đang cần một cách thức dễ dàng và an toàn để nhận các khoản thu nhập freelance của mình từ những khách hàng quốc tế? Giải pháp thanh toán linh hoạt và hiệu quả về chi phí của Payoneer có thể giúp các freelancers như bạn nhận thanh toán từ những khách hàng ở bất kỳ đâu trên thế giới.

Nhận thanh toán freelance với Payoneer

Nội dung được cung cấp trong bài viết này, bao gồm mọi thông tin liên quan đến giá, phí và các khoản phí khác, chỉ chính xác và hợp lệ kể từ ngày được phát hành. Ngoài ra, những thay đổi về quy định, chính sách, điều kiện thị trường hiện hành hoặc các yếu tố liên quan khác đều có thể ảnh hưởng đến tính chính xác của giá và phí được đề cập cũng như các chi tiết liên quan khác. Theo đó, để làm rõ thêm, mọi thông tin liên quan đến giá, phí và các khoản phí khác đều có thể thay đổi và bạn có trách nhiệm đảm bảo rằng mình đang xem nội dung mới nhất phù hợp với bản thân. Payoneer sẽ cung cấp thông tin mới nhất và chính xác nhất liên quan đến giá và phí như một phần của quy trình đăng ký tài khoản. Khách hàng đã đăng ký có thể xem thông tin này thông qua tài khoản trực tuyến của họ.

Đăng kí nhận tin của chúng tôi

Thank you!