• Share on Facebook
  • Tweet This Post
  • Share on LinkedIn

7 sai lầm phổ biến nhất mà người bán hàng mới chập chững vào nghề trên thị trường Amazon thường mắc phải

Nhi PhanNhi Phan
17 Tháng 01, 2022

Có thể nói, bán được sản phẩm đầu tiên của bạn trên thị trường Amazon là một hành trình dài và các sellers cần có thời gian để học hỏi cách thức đi tới thành công. Chắc chắn sẽ xuất hiện nhiều chông gai cạm bẫy xuyên suốt hành trình, nhưng chúng tôi hy vọng rằng bằng cách cung cấp cho bạn càng nhiều thông tin hữu ích càng tốt, chúng tôi sẽ giúp bạn tránh được những sai lầm phổ biến.

Nhằm đạt được mục tiêu này, chúng tôi đã có bài phỏng vấn với Trevor, một seller hoàn toàn mới trên thị trường Amazon. Anh ấy đã kể lại cho chúng tôi nghe câu chuyện khởi nghiệp kinh doanh của mình và nêu bật 7 sai lầm khi theo đuổi mô hình kinh doanh Amazon FBA mà anh ấy đã mắc phải đồng thời anh ấy muốn giúp những sellers khác tránh đi vào vết xe đổ của mình.

Hãy cùng đề cập đến một số vấn đề phổ biến nhất khi bán hàng trên Amazon và cách mà bạn có thể tránh mắc phải.

Sai lầm #1: Mù quáng làm theo những lời khuyên vô bổ

Ngày nay, có rất nhiều “chuyên gia” FBA tự xây dựng các khóa đào tạo cho những người mới bắt đầu. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy họ trên Google và YouTube. Thật không may, không phải tất cả mọi người trong số họ đều là những người giỏi chuyên môn thật sự. Tất nhiên, có rất nhiều người bán hàng thành công và thực sự tâm huyết trong việc chia sẻ với cộng đồng về những kiến thức và kinh nghiệm bổ ích mà họ đã tích lũy được trong hành trình bán hàng, nhưng về cơ bản, có rất nhiều người chỉ đơn thuần kinh doanh khóa học và cung cấp những lời khuyên chung chung, không cụ thể nhằm mục đích kiếm tiền nhanh chóng từ các học viên.

Khi Trevor khởi đầu hành trình kinh doanh trên Amazon của mình, anh thừa nhận rằng mình đã mù quáng nghe theo một số lời khuyên không đủ tốt và đã dẫn đến một số khó khăn sau này. Nhìn lại, Trevor ước rằng giá như anh ấy thực hiện theo một kế hoạch khoa học và hiệu quả hơn.

“Hãy theo học một khóa học bán hàng đã được chứng minh được chất lượng và hiệu quả,” Trevor nói. “hãy chịu khó đọc các bài reviews và tham gia vào một chương trình đào tạo uy tín, có lịch sử đào tạo học viên tốt, nơi bạn có thể tiếp cận với những người bán hàng thực tế.”

Dưới đây là một số tips khi tìm kiếm khóa học xây dựng chiến lược kinh doanh Amazon phù hợp nhất với bạn:

  • Hãy chắc chắn rằng khóa đào tạo được dạy bởi một Amazon seller có uy tín.
  • Tìm hiểu kỹ về những người tham gia giảng dạy. Họ có lịch sử kinh doanh thành công trên Amazon không?
  • Xem xét kỹ từng lời khuyên của họ. Liệu những lời khuyên này có phù hợp với trường hợp cụ thể của bạn không?
  • Tham khảo lời chứng thực từ những người đã theo học trước đây.

Sai lầm #2: Không đánh giá mức độ cạnh tranh

Đây là một trong những sai lầm phổ biến nhất của một Amazon seller. Bạn có thể tìm ra một sản phẩm tuyệt vời với tiềm năng tạo doanh thu khủng, nhưng nếu có hàng trăm sellers khác cũng đang chào bán sản phẩm đó thì mọi thứ sẽ hết sức khó khăn để sản phẩm của bạn thu hút được sự chú ý.

Đây là tình huống mà Trevor đã gặp phải khi bắt đầu bán sản phẩm của mình.

“Tôi nhanh chóng nhận ra rằng mình đã quá chú tâm vào việc tìm kiếm một niche tốt cho sản phẩm của mình mà đã hoàn toàn bỏ qua những người bán hàng thành công trong danh mục sản phẩm đó,” Trevor nói. “Tôi đột nhiên thấy mình phải cạnh tranh với hơn 400 sellers khác.”

Rất may, bạn có thể sử dụng một số công cụ giúp đo lường mức độ cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Tính năng Visible Score của ứng dụng AMZScout PRO Extension cho bạn biết có bao nhiêu người bán hàng khác đã phân tích niche mà bạn đang tìm hiểu. Bạn cũng có thể nhấp vào Niche Score để xem bảng phân bổ đầy đủ về mức độ cạnh tranh.

Tính năng Visibility Score của ứng dụng AMZScout PRO Extension

Số lượng reviews về sản phẩm là một chỉ số quan trọng khác cho bạn biết mức độ cạnh tranh. Bạn hãy tìm kiếm một sản phẩm có ít hơn 100 reviews.

Trevor gợi ý thêm:

“Khi nghiên cứu một niche cụ thể nào đó, bạn nên bắt đầu bằng cách nghiên cứu về các sellers hàng đầu trong niche đó, xem xét các từ khóa chính và xem những ai đang thống trị trên trang nhất. Sau đó, bạn hãy đánh giá xem liệu đây có còn là một niche hấp dẫn đối với bạn hay không.”

Sai lầm #3: Không tính toán chi phí quảng cáo PPC

Khi xác định tỷ suất lợi nhuận của sản phẩm, bạn cần đưa vào tất cả các chi phí của mình. Chúng là những thứ như chi phí mua sản phẩm, phí vận chuyển và FBA. Bạn cũng đừng quên chi phí quảng cáo PPC.

Triển khai các chiến dịch quảng cáo Amazon có thể là cách thức tuyệt vời để quảng bá sản phẩm của bạn, nhưng chúng cũng đồng thời lấy đi của bạn khá nhiều tiền. Và nếu bạn không đưa chi phí này vào cơ cấu tính toán tỷ suất lợi nhuận của các sản phẩm, bạn có thể đạt được lợi nhuận ít hơn so với bạn nghĩ. Đây chính là sai lầm mà Trevor đã phát hiện ra khi anh bắt đầu chạy quảng cáo Amazon.

“Quảng cáo PPC chiếm tỷ lệ lớn trong tổng chi phí kinh doanh của tôi,” Trevor nói. “Nó làm tôi khốn đốn và khiến tôi tốn kém khoảng 10-15 USD mỗi lần bán hàng (trên giá sản phẩm/ vận chuyển) để bán được một sản phẩm có giá 10 USD.”

Sai lầm #4: Tìm kiếm quá nhiều nhà cung cấp

Có hàng nghìn nhà cung cấp cho bất kỳ sản phẩm cụ thể nào. Vì vậy, việc tìm hiểu tất cả nhà cung cấp sẽ lấy đi của bạn rất nhiều thời gian và công sức. Bạn sẽ tốn rất nhiều thời gian để bàn bạc với hàng tá nhà cung cấp khác nhau trong quá trình phát triển mẫu sản phẩm.

Dưới đây là lời khuyên của Trevor khi nói đến sai lầm cụ thể này trong quá trình bán hàng trên Amazon:

“Hãy chọn ra một nhà cung cấp tốt nhất trong số các nhà cung cấp tốt nhất dựa trên những thông số quan trọng như thời gian giao hàng, số lượng sản phẩm tối thiểu của đơn đặt hàng, đọc các reviews về nhà cung cấp và yêu cầu họ cung cấp tài liệu tham khảo.”

Hầu hết các sellers đều tiến hành tìm kiếm nhà cung ứng sản phẩm của họ trên Alibaba, và một điều may mắn đó là bạn có thể áp dụng một số cách thức để tìm ra những nhà cung cấp tốt nhất trên nền tảng đó. Mỗi nhà cung cấp đều có xếp hạng sao nhất định và bất kỳ chứng nhận nào mà họ sở hữu đều sẽ được liệt kê trên nền tảng.


Tìm kiếm nhà cung cấp tốt nhất thông qua nền tảng của AMZScout

Thu hẹp phạm vi tìm kiếm của bạn trong khoảng từ 2-3 nhà cung cấp phù hợp nhất với bạn và yêu cầu họ gửi mẫu sản phẩm cho bạn. Sau đó chọn lấy mẫu bạn cảm thấy tốt nhất và đưa sản phẩm của bạn vào sản xuất.

Sai lầm #5: Không tính đến yếu tố thời gian vận chuyển

Trong hầu hết các trường hợp, sản phẩm của bạn sẽ được chuyển đến tay khách hàng từ nước ngoài. Ngay cả khi bạn vận chuyển bằng đường hàng không, quá trình này vẫn có thể mất một khoảng thời gian nhất định và bạn cần chuẩn bị tinh thần cho bất kỳ sự chậm trễ nào có thể xảy ra.

“Tôi đã không hề tính đến yếu tố COVID-19 sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thời gian vận chuyển,” Trevor chia sẻ. “Vận chuyển hàng hóa trong thời kỳ dịch bệnh Covid hoành hành sẽ mất nhiều thời gian hơn bạn nghĩ. Hãy lên kế hoạch trong khoảng 3 tuần đối với vận tải bằng đường hàng không và ít nhất là 2 tháng đối với phương thức vận tải bằng đường biển.”

Hy vọng rằng, khi mọi thứ trở lại trạng thái bình thường, thời gian vận chuyển sẽ giảm xuống. Nhưng bạn có thể tham khảo khung thời gian trên làm cơ sở cho mọi hoạt động của mình. Bằng cách đó, nếu không may gặp phải sự cố giao hàng của Amazon hay phát sinh tình trạng chậm trễ trong vận chuyển hàng hóa đến các kho hàng, bạn vẫn luôn có sự chủ động.

Trong khi chờ đợi sản phẩm của bạn được vận chuyển đến các kho hàng, hãy sử dụng khoảng thời gian chờ đợi này để nghiên cứu từ khóa, tạo danh mục liệt kê sản phẩm và phát triển các chiến lược PPC. Bằng cách sử dụng quỹ thời gian này một cách khôn ngoan, bạn sẽ luôn ở trạng thái sẵn sàng ngay khi hàng tồn kho của bạn được chuyển đến nơi.

Sai lầm #6: Không tạo dựng sự khác biệt cho bản thân

Quan niệm phổ biến “nếu bạn xây dựng cửa hàng, khách hàng sẽ đến với bạn” hay “hữu xạ tự nhiên hương’’ sẽ không phù hợp khi nói đến việc kinh doanh trên Amazon. Trong thời đại internet ngày nay, khách hàng có hàng triệu sản phẩm trên trang web để lựa chọn và nếu bạn không tạo được sự khác biệt cho bản thân và thương hiệu của mình theo một cách nào đó thì sẽ rất khó để thu hút được sự chú ý của mọi người. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn đang bán hàng trong một niche mang tính cạnh tranh cao hơn.

“Hãy trở nên khác biệt, độc đáo và xuất hiện nổi bật trong đám đông, nếu không bạn sẽ không nhận được bất kỳ lượt nhấp chuột nào,” Trevor nói.

Bạn có thể thực hiện việc này theo một số cách thức khác nhau. Thu hút những người mua sắm một cách trực quan bằng cách thiết kế gian hàng với nhiều màu sắc và biến thể hơn đối thủ cạnh tranh của bạn hoặc tiếp cận kinh doanh theo hướng xây dựng một thương hiệu thật độc đáo. Hoặc bạn có thể tạo sự khác biệt bằng cách cung cấp các sản phẩm có chất lượng tốt hơn và thêm những tính năng bổ sung mà đối thủ cạnh tranh không thể.

Dù bạn dự định làm theo cách nào để trở nên nổi bật, chỉ cần chắc chắn bạn có một kế hoạch cụ thể trước khi bắt đầu bán hàng.

Sai lầm #7: Cạnh tranh về giá

Khi bạn là một seller hoàn toàn mới, bạn có thể dễ dàng bị cán dỗ trong việc tìm mọi cách để nhanh chóng vượt mặt những sellers khác bằng cách đưa ra mức giá thấp nhất. Chắc chắn bạn sẽ chứng kiến doanh số gia tăng và bạn có thể thấy thứ hạng của mình được cải thiện, nhưng bạn sẽ không kiếm được nhiều tiền. Trên thực tế, cuối cùng, bạn có thể sẽ bị mất tiền.

Việc chỉ đơn giản theo đuổi mức giá thấp nhất không phải là một chiến lược hay và đó là một trong những sai lầm lớn nhất về chiến lược giá trên Amazon. Cuối cùng, bạn sẽ phải tăng giá bán để bắt đầu kiếm tiền và nếu không có điều gì đặc biệt khác khiến sản phẩm của bạn nổi bật trên thị trường thì doanh số bán hàng của bạn sẽ tụt giảm khá nhanh.

Thay vào đó, hãy làm theo lời khuyên của Trevor:

“Hãy chọn một cách khác để thu hút khách hàng, chẳng hạn như cung cấp cho họ một dịch vụ chăm sóc khách hàng tuyệt vời, triển khai chính sách giao hàng nhanh hoặc thiết kế ra những sản phẩm xuất sắc. Cạnh tranh về giá không bao giờ là một lựa chọn thông minh, trừ khi bạn có rất nhiều tiền để đốt.”

Lời kết

Kinh doanh buôn bán trên Amazon đối với những người mới bắt đầu là hành trình không hề dễ dàng và bạn sẽ mắc sai lầm. Nhưng nếu bạn xem mọi sai lầm hoặc trở ngại như một kinh nghiệm học tập, bạn chắc chắn sẽ trở nên tốt hơn sau mỗi lần vấp ngã. Hãy kiên trì và không bao giờ từ bỏ, và cuối cùng, bạn sẽ bắt đầu gặt hái lợi nhuận trên Amazon.

AMZ Scout logoBài post này được viết bởi Nhóm Chuyên gia về thị trường Amazon của AMZScoutAMZScout là một trong những công cụ nghiên cứu thị trường Amazon hàng đầu dành cho những người bán hàng trực tuyến, giúp gia tăng lợi nhuận của họ bằng cách cung cấp cho họ các dữ liệu chính xác về thị trường nhằm đưa ra những quyết định đầu tư quan trọng.

Nội dung được cung cấp trong bài viết này, bao gồm mọi thông tin liên quan đến giá, phí và các khoản phí khác, chỉ chính xác và hợp lệ kể từ ngày được phát hành. Ngoài ra, những thay đổi về quy định, chính sách, điều kiện thị trường hiện hành hoặc các yếu tố liên quan khác đều có thể ảnh hưởng đến tính chính xác của giá và phí được đề cập cũng như các chi tiết liên quan khác. Theo đó, để làm rõ thêm, mọi thông tin liên quan đến giá, phí và các khoản phí khác đều có thể thay đổi và bạn có trách nhiệm đảm bảo rằng mình đang xem nội dung mới nhất phù hợp với bản thân. Payoneer sẽ cung cấp thông tin mới nhất và chính xác nhất liên quan đến giá và phí như một phần của quy trình đăng ký tài khoản. Khách hàng đã đăng ký có thể xem thông tin này thông qua tài khoản trực tuyến của họ.

Đăng kí nhận tin của chúng tôi

Thank you!